Chú ý 6 điểm này, biết ngay giá đỗ sạch và giá đỗ ‘ngậm’ hóa chất
Giá đỗ là thực phẩm bổ dưỡng nhưng giá đỗ ngoài chợ thường lẫn lộn giá sạch và giá bị tẩm hóa chất độc hại. Vậy làm sao để nhận biết được đâu là giá đỗ an toàn?
Cách đây không lâu, Công an Tp. Quảng Ngãi đã ra lệnh khởi tố đối với 2 cơ sở sản xuất giá đỗ ở phường Nghĩa Chánh, Tp. Quảng Ngãi do sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine để làm giá.
Loại hóa chất này có tác dụng kích thích cây phát triển, ra nhánh, đâm chồi; tăng cường ra hoa và làm trái cây to hơn nhờ việc kích thích phân chia tế bào. Loại hóa chất này như thần dược với cây cỏ khi tăng đề kháng với bệnh, hạn hán, lạnh.
Dù là “thần dược” kích thích tăng trưởng đối với cây trồng nhưng chất này lại có khả năng gây ngộ độc cấp tính, tổn hại sức khỏe người tiêu dùng nếu ăn phải. Điều đáng nói là trước đây, 2 cơ sở này từng bị xử phạt hành chính, đình chỉ sản xuất giá đỗ trong 2 tháng, nhưng vì lợi nhuận, hai bị can vẫn “bán rẻ lương tâm” tiếp tục dùng hóa chất để ủ giá đỗ.
Thực tế, trên thị trường có nhiều loại hóa chất khác nhau mà người sản xuất giá thường mách nhau mua với mục đích cho giá mọc nhanh, mẫu mã đẹp và để được lâu, không bị ủng. Vì vậy, khi đi chợ người tiêu dùng cần lưu ý để phân biệt giữa giá đỗ sạch và giá đỗ ngâm hóa chất qua một số dấu hiệu sau:
Quan sát hình dạng giá đỗ
Giá đỗ sạch có màu trắng nhạt, thân dài, rễ dài nhưng khó gãy.
Giá đậu ngâm hóa chất thường có thân rất mập, to tròn, đều đặn đẹp mắt, nhưng rất giòn và dễ bị đứt gãy. Trong khi giá đỗ sạch thì có hình dạng “gầy” hơn, không bắt mắt bằng nhưng thân cây giá cứng hơn, khó đứt gãy
Chiều dài giá đỗ
Chiều dài, kích thước của giá ngâm hóa chất thường khá dài trong khi giá đỗ sạch chỉ có chiều dài bằng khoảng 1 nửa giá đỗ ngâm hóa chất.
Quan sát rễ
Giá đỗ ngâm hóa chất thường béo, mập, ít rễ.
Giá đỗ sạch thường có rất nhiều rễ vì phải hút nhiều nước, còn giá đỗ ngâm hóa chất thì ngược lại, ít rễ và rễ thường rất ngắn hoặc không có rễ vì chưa kịp mọc.
Lá, mầm giá đỗ
Thông thường, giá đỗ sạch thường có 2 hạt mầm to và lá non màu xanh hoặc vàng. Còn giá đỗ ngâm hóa chất thường không có lá hoặc có 2 hạt ngậm chặt với nhau.
Màu sắc giá đỗ
Giá ngâm hóa chất thường có màu trắng sứ rất đẹp mắt, còn giá đỗ sạch lại có màu trắng sữa hoặc nhạt hơn.
Phân biệt bằng mùi vị
Khi chưa sơ chế, giá đỗ ngâm hóa chất không có mùi vị gì, còn giá đỗ sạch thường có vị khé khé. Sau khi đã chế biến, giá đỗ sạch có vị rất ngọt hoặc có vị hơi đắng (khi đã già) còn giá ngâm hóa chất có vị rất nhạt, khi xào còn ra nhiều nước.
Minh Hoa (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chu-y-6-diem-nay-biet-ngay-gia-do-sach-va-gia-do-ngam-hoa-chat-204241112103308163.htm