Đua xe gây chết người ở Hà Nội: Xử lý cả phụ huynh và người giao xe cho học sinh

Theo chuyên gia, cần xem xét liên đới trách nhiệm của phụ huynh và xử lý nghiêm người giao xe cho học sinh đua xe trái phép gây chết người ở Hà Nội.

Các đối tượng đua xe vẫn dễ dàng tìm được địa điểm để tổ chức

Ngày 5/11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khởi tố hình sự 10 thanh niên (độ tuổi 16-19) điều khiển xe máy thực hiện hành vi đua xe trái quy định khiến 1 cô gái tử vong trong lúc dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu gây bức xúc trong dư luận.

Theo báo cáo của Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, rạng sáng 3/11, cô gái 27 tuổi điều khiển xe máy theo hướng từ ga Hà Nội – Bệnh viện 108, đang dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu thì một đoàn xe máy đi theo hướng ngược lại trên phố Trần Hưng Đạo với tốc độ nhanh. Hai xe trong đoàn xe máy này đã đâm vào cô gái, khiến nạn nhân ngã văng ra đường, tử vong tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, cả nhóm rời hiện trường. Bước đầu, công an xác định, nhóm thanh, thiếu niên đua xe có độ tuổi 16-19. Trong số này có nhiều học sinh.

Nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy gây tai nạn khiến 1 người tử vong
Liên quan đến nội dung này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: “Vụ việc này là một sự cố đáng tiếc và xin chia buồn cùng gia đình và bạn bè của nạn nhân. Đây là lời nhắc nhở nghiêm túc về tác động mà những hành động vô trách nhiệm có thể gây ra đối với cuộc sống của những người vô tội. Hành vi nông nổi, bất chấp pháp luật dẫn đến hậu quả khủng khiếp, không chỉ một cái chết mà còn làm đường đời của nhiều bạn trẻ ngoặt sang chiều đáng tiếc, còn làm hơn chục gia đình tự dưng rơi vào hoàn cảnh hoàn toàn không mong muốn”.

Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, vấn nạn đua xe trái phép, dù đã bị cấm từ lâu, vẫn tiếp tục diễn ra và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi này như: Nhiều thanh niên đua xe để thể hiện bản thân, chứng tỏ mình “ngầu”, hoặc để thoát khỏi áp lực cuộc sống. Áp lực đồng trang lứa, muốn hòa nhập với nhóm khiến nhiều bạn trẻ dễ bị cuốn vào đua xe. Khi thiếu các sân chơi lành mạnh, các bạn trẻ dễ tìm đến những hoạt động mạo hiểm như đua xe. Việc kiểm soát các hoạt động đua xe còn nhiều hạn chế, các đối tượng đua xe vẫn dễ dàng tìm được địa điểm để tổ chức. Một số bạn trẻ đơn giản chỉ vì thích cảm giác mạnh, tốc độ mà tham gia đua xe.

Giải pháp được chuyên gia giao thông đưa ra là cần có sự phối hợp của nhiều phía, từ gia đình, nhà trường, xã hội đến các cơ quan chức năng: “Từ trong gia đình cần tạo môi trường gia đình ấm áp, gần gũi để các con chia sẻ. Quan tâm đến sở thích, hoạt động của con cái để định hướng đúng đắn. Giáo dục con cái về pháp luật, về những hiểm họa của đua xe. Về phía nhà trường nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa lành mạnh, hấp dẫn để thu hút học sinh. Tăng cường giáo dục pháp luật, về an toàn giao thông cho học sinh. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với gia đình để cùng nhau giáo dục học sinh. Ngoài xã hội cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của đua xe thông qua các phương tiện truyền thông. Xây dựng các sân chơi thể thao, các câu lạc bộ lành mạnh để thu hút thanh thiếu niên. Cộng đồng cần lên án, tẩy chay hành vi đua xe. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực nghi ngờ có hoạt động đua xe. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không chỉ người tham gia đua xe mà cả những người cổ vũ. Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông.

TS. Nguyễn Hữu Đức
TS Nguyễn Hữu Đức lưu ý, không có một giải pháp nào đơn lẻ có thể giải quyết triệt để vấn nạn đua xe. Cần có sự kết hợp nhiều giải pháp và thực hiện trong thời gian dài. Quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của thanh thiếu niên về đua xe, giúp họ hiểu được những hiểm họa và hậu quả nghiêm trọng của hành vi này. Cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, nơi mà các bạn trẻ có thể phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Các bậc phụ huynh sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm

Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, điều đáng trách trong vụ việc là các bậc phụ huynh đã không quản lý con cái dẫn đến một số trẻ chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, thiệt hại đến tính mạng của người khác. Do đó, ngoài các đối tượng vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự thì các bậc phụ huynh sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về người dưới 18 tuổi gây thiệt hại.

Đối với những người là chủ sở hữu mà giao xe cho người dưới 18 tuổi điều khiển gây tai nạn giao thông thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều kiện theo quy định của pháp luật.

Theo vị luật sư, đây là bài học cho nhiều người khi thiếu trách nhiệm trong quản lý, nuông chiều con cái dẫn đến sự việc nghiêm trọng và cũng là bài học cho các thanh thiếu niên có ý thức coi thường pháp luật, không có tính kỷ luật, thiếu thức chấp hành pháp luật, không làm chủ được bản thân, bị bạn bè dụ dỗ lôi kéo tham gia, dù bản thân không gây tai nạn nhưng vẫn có thể bị xử lý hình sự.

Các nước trên thế giới quy định rất nghiêm khắc đối với đua xe trái phép

TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, việc đua xe máy trái phép là một vấn đề nan giải không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn hành vi này.

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: T.A).

“Nhiều quốc gia áp dụng mức phạt tiền rất cao đối với những người tham gia đua xe, thậm chí tịch thu phương tiện. Việc tước giấy phép lái xe vĩnh viễn hoặc tạm thời là một biện pháp răn đe hiệu quả. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều nước áp dụng hình phạt tù. Nhiều nước tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, đặc biệt là vào ban đêm và cuối tuần, thời điểm thường xảy ra đua xe. Áp dụng các thiết bị giám sát, camera để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Khuyến khích người dân báo cáo các hành vi đua xe trái phép…”, TS Nguyễn Hữu Đức nêu ví dụ.

Ngoài ra cần tạo ra các hoạt động giải trí lành mạnh như đưa ra các lựa chọn thay thế lành mạnh như các sân đua chuyên nghiệp, nơi các bạn trẻ có thể thỏa mãn đam mê tốc độ một cách an toàn. Tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh để thu hút thanh thiếu niên, giúp họ không còn thời gian và năng lượng tham gia vào các hoạt động tiêu cực.

Tăng cường giáo dục pháp luật về giao thông, về những hậu quả nghiêm trọng của đua xe trái phép ngay từ khi còn nhỏ. Tổ chức các chương trình giáo dục về an toàn giao thông, giúp người dân hiểu rõ những nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương, trường học, gia đình cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề này; Cần sự tham gia của các tổ chức xã hội, các đoàn thể để cùng nhau tuyên truyền, giáo dục và ngăn chặn hành vi đua xe trái phép.

“Nhiều nước châu Âu đã áp dụng các biện pháp rất nghiêm khắc đối với đua xe trái phép, kết hợp với việc đầu tư vào các cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và các hoạt động giải trí lành mạnh. Úc có nhiều biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với đua xe trái phép, bao gồm tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe vĩnh viễn và phạt tù. Một số bang ở Mỹ đã thành lập các đơn vị đặc biệt để chống đua xe, kết hợp với việc tăng cường tuần tra và sử dụng công nghệ giám sát. Việc áp dụng các biện pháp trên cần phải phù hợp với từng quốc gia, từng địa phương và phải được thực hiện một cách đồng bộ, lâu dài”.

Theo Văn Ngân (VOV.vn)

TIN LIÊN QUAN
error: