Xử lý thế nào vụ ông Vương Tấn Việt dùng bằng giả?
Chuyên gia pháp lý cho rằng, sử dụng bằng cấp không đúng quy định của pháp luật để dự tuyển trong các kỳ tuyển sinh, học đại học và sau đại học là vi phạm pháp luật.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đưa ra kết luận, ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) đã sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa không hợp pháp, đồng thời đề nghị các trường đại học thu hồi các văn bằng đã cấp cho ông Việt.
Bộ này cho biết, ông Vương Tấn Việt đã thừa nhận sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa không hợp pháp và cũng đã tự nguyện giao nộp các văn bằng để xử lý theo quy định.
Ngày 22/10, Đại học Luật Hà Nội và Đại học Hà Nội cũng thông tin việc đang thực hiện các thủ tục hủy kết quả đào tạo, thu hồi bằng cử nhân và tiến sỹ đã cấp cho ông Vương Tấn Việt.
Trường Đại học Hà Nội đã cấp cho ông Việt bằng cử nhân ngoại ngữ ngành tiếng Anh hệ đào tạo từ xa (năm 2001), còn trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng cử nhân Luật hệ đào tạo từ xa (năm 2019) và bằng tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp – Hành chính (năm 2022).
Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Hà Nội đều đang làm thủ tục thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt
Còn thời hiệu xem xét truy cứu TNHS hành vi sử dụng tài liệu giả
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, sử dụng bằng cấp không đúng quy định của pháp luật để dự tuyển trong các kỳ tuyển sinh, tham gia học tập đại học và sau đại học là vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi sử dụng tài liệu giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong sự việc bằng cấp của ông Vương Tấn Việt, Bộ GD&ĐT kết luận ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hoá không hợp pháp và ông Vương Tấn Việt cũng đã thừa nhận. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi phạm pháp luật này sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao. Nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm mà còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ xử lý hình sự.
Kết quả xác minh của cơ quan chức năng, ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách thi, cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba của cơ sở giáo dục và đào tạo nên bằng tốt nghiệp của ông Vương Tấn Việt được xác định là bằng giả.
Bởi vậy, trong vụ việc này ngoài việc thu hồi các bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngôn ngữ Anh, bằng tiến sĩ luật học mà trường Đại học Hà Nội và Đại học luật Hà Nội đã cấp, cơ quan chức năng cũng sẽ yêu cầu thu hồi bằng cấp ba bổ túc văn hóa mà ông Vương Tấn Việt đã sử dụng trong quá trình học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên.
Khi thu hồi được bản chính bằng tốt nghiệp cấp ba sẽ tiến hành giám định con dấu và chữ ký ở trong bằng này để xác định bằng này giả do cấp sai thủ tục hay còn có hành vi làm giả con dấu nữa hay không? Nếu không thu hồi được bản chính bằng tốt nghiệp cấp ba của ông Việt, không thể tiến hành giám định chữ viết và con dấu ở bằng tốt nghiệp này. Tuy nhiên, với kết quả xác minh của trường bổ túc văn hóa cũng có thể xác định được bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa này là bằng giả.
Bằng tốt nghiệp cấp ba cấp không đúng đối tượng, không đúng thủ tục là “bằng giả”, người có tên trong bằng tốt nghiệp này không đi học, không đi thi mà cũng có bằng phải nhận thức được đây là bằng giả. Nếu biết rõ đây là bằng cấp giả rồi nhưng vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng hoặc để thực hiện hành vi trái pháp luật, đây là hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật hình sự quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội ít nghiêm trọng là 5 năm; với tội nghiêm trọng là 10 năm; với tội rất nghiêm trọng là 15 năm và với tội đặc biệt nghiêm trọng là 20 năm tính từ thời điểm hành vi phạm tội xảy ra.
Theo quy định của pháp luật, hành vi làm giả được tính từ thời điểm cấp, làm ra bằng cấp giấy tờ giả. Còn hành vi sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả thì có thể là hành vi kéo dài qua nhiều năm. Theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng, ông Vương Tấn Việt nộp bằng tốt nghiệp cấp ba vào trường Đại học Hà Nội để học đại học từ xa từ năm 1994 đến năm 2001 thì tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngôn ngữ Anh. Bởi vậy, nếu có hành vi làm giả bằng cấp ba, đến nay đã 30 năm, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, với hành vi sử dụng tài liệu giả thì hành vi sử dụng tài liệu giả kéo dài đến nay nên vấn đề thời hiệu xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi sử dụng tài liệu giả sẽ không được đặt ra, ông Vương Tấn Việt vẫn có thể bị xử lý về hành vi sử dụng tài liệu giả theo quy định của pháp luật.
Có đặt ra trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục?
Sau khi có kết luận của Bộ GD&ĐT về việc ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa không hợp pháp, trường Đại học Hà Nội sẽ tiến hành xem xét thu hồi hủy bỏ bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngôn ngữ Anh cấp năm 2001, đồng thời hủy bỏ kết quả trúng tuyển, kết quả học tập đại học đối với ông Vương Tấn Việt. Trường Đại học luật Hà Nội cũng sẽ căn cứ vào kết luận của Bộ GD&ĐT và việc thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp đại học của Trường Đại học Hà Nội để thu hồi hủy bỏ bằng Tiến sĩ cũng như kết quả trúng tuyển nghiên cứu sinh của ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo thông tin trên truyền thông, ông Vương Tấn Việt còn đang làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Đại học quốc gia Hà Nội), cơ sở giáo dục này cũng sẽ xem xét hủy bỏ kết quả trúng tuyển nghiên cứu sinh của ông Việt và đình chỉ việc nghiên sinh dựa trên các căn cứ nêu trên.
Nói về trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trên, Luật sư Cường cho rằng, sự việc bắt đầu từ bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa không đúng quy định của pháp luật. Thủ tục trót lọt đầu tiên trong sử dụng bằng cấp ba giả này là từ năm 1994, khi ông Việt đăng ký học đại học hệ từ xa ở Đại học Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hà Nội, ông Việt lại tiếp tục đăng ký làm nghiên cứu sinh tại Đại học Luật Hà Nội và Đại học KH,XH&NV. Do đó, các cơ sở giáo dục và đào tạo này sẽ kiểm tra lại quy trình thủ tục để xác định lý do sai sót, bỏ lọt bằng giả trong quá trình đào tạo.
Đối với chương trình đào tạo đại học, trước đây cơ sở giáo dục sẽ thu bản gốc bằng tốt nghiệp cấp ba, sau khi tốt nghiệp đại học sẽ trả lại toàn bộ hồ sơ gốc, ở hệ văn bằng hai, nghiên cứu sinh, thủ tục trước đấy không đòi hỏi phải nộp bản gốc bằng tốt nghiệp cấp ba. Bởi vậy, các cơ sở giáo dục và đào tạo rất khó có thể xác định được bằng cấp ba là thật hay giả, nếu là bằng phôi thật, chữ ký thật, các cơ sở giáo dục gần như không thể xác định được đó là bằng giả.
Nếu bằng giả với hình thức mà làm tinh vi thì mắt thường cũng khó phát hiện, cần phải giám định tại phòng kỹ thuật hình sự hoặc Viện Khoa học hình sự mới kết luận được đó là bằng cấp giấy tờ giả.
Bởi vậy, để truy trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo đối với việc sử dụng bằng giả của ông Vương Tấn Việt là rất khó và thiếu căn cứ pháp lý. Vấn đề đặt ra là xem lại quy trình giáo dục và đào tạo ở bậc đại học và sau đại học để kịp thời bổ sung các cơ chế kiểm tra, kiểm soát để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.