Vụ thuốc giả: Khung hình phạt cao nhất có thể đến tử hình
Hành vi sản xuất thuốc giả có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Như đã đưa tin, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa, vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, đã khởi tố, bắt giữ 14 đối tượng để điều tra về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
Theo thông tin ban đầu, qua khám xét, công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả lên đến hàng chục ngàn hộp. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn. Nhóm này khai nhận, từ năm 2021 đến khi bị bắt đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính gần 200 tỉ đồng.
Công an xác định Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi) đã câu kết với nhóm Trịnh Doãn Giáo (40 tuổi) đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất và nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược.
Công an tỉnh Thanh Hoá triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn. Ảnh: CA
Sau đó, họ đặt mua các nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuê nhân công trộn lẫn nghiền thành bột, sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm thuốc giả, sau đó bán ra thị trường qua các kênh phân phối.
Để có thêm góc nhìn về hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với Luật sư Huỳnh Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Luật sư Nghĩa cho biết theo như thông tin ban đầu thì đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả trên đã thu lợi bất chính gần 200 tỉ đồng. Chiếu theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì các đối tượng có thể sẽ phải đối diện với khung hình phạt phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (thu lợi bất chính trên 2 tỉ đồng).
Để xác định cá nhân nào phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, trước tiên cần xác định những sản phẩm thuốc đó là thuốc giả.
Theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược 2016 quy định thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp:
(1) Không có dược chất, dược liệu;
(2) Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;
(3) Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;
(4) Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.
Về cấu thành tội phạm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh có cấu thành hình thức, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Tức, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội danh này.
Về mặt khách quan, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh có nhiều điểm tương đồng với các tội như các tội sản xuất buôn bán hàng giả (Điều 192); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193). Nhưng khác nhau về dấu hiệu định tội và khung hình phạt.
“Ở tội danh tại Điều 194 có đối tượng, hàng hoá bị làm giả ở đây là thuốc chữa bệnh, là loại hàng hoá liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của con người. Hậu quả gây ra có thể là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng của hàng loạt người dân) nên người phạm tội có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất là tử hình”, Luật sư Nghĩa cho biết.
Về khung hình phạt, mặc dù hậu quả của hành vi phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc ở tội danh này nhưng việc xác định hậu quả có ý nghĩa quan trọng trong việc định khung hình phạt.
Cụ thể, người nào phạm tội mà thu lợi bất chính 2 tỉ đồng trở lên hoặc làm chết 2 người trở lên hoặc gây thiệt hại trên 1,5 tỉ đồng thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Khung hình phạt nhẹ nhất của tội danh này quy định tại khoản 1 là bị phạt tù từ 2-7 năm tù.
Từng triệt phá nhiều đường dây sản xuất thuốc giả
Một vụ án trước đây được dư luận đặc biệt quan tâm đó là vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma. Trong vụ án, này các bị cáo tại Công ty VN Pharma đã bàn bạc nhập khẩu loại thuốc chữa ung thư H-Capita 500mg về Việt Nam. Quá trình nhập thuốc, Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma) chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ trên.
Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Hay như mới đây, giữa tháng 3-2025, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Xuân Cường 19 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Cường cùng các bị cáo đồng phạm trong đường dây của mình đã sản xuất thuốc giả các nhãn hiệu: Gold 500, Celecod 200, Cephalexin 500; Terpin – Codein viên nang và viên nén…
Theo kết quả sao kê tài khoản, Cường đã bán thuốc giả do mình sản xuất với tổng số tiền hơn 7,7 tỉ đồng.
https://plo.vn/vu-thuoc-gia-khung-hinh-phat-cao-nhat-co-the-den-tu-hinh-post844835.html