Từ cậu bé suýt đói lả đến ‘cha đẻ’ ATM hiện đại
Từ cậu bé nghèo ở Quảng Ngãi, Tiến sĩ Đỗ Đức Cường vươn lên thành chuyên gia ngân hàng tại Mỹ, góp phần cải tiến ATM và về nước truyền nghề.
Cây ATM, vốn là thiết bị quen thuộc trong thời đại ngày nay, nhưng khoảng những năm 1960, đó là cả một “điều kỳ diệu”, thay đổi thế giới. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, trong hành trình hoàn thiện chiếc máy biểu tượng của tự động hóa tài chính ấy, có dấu ấn đậm nét của một người Việt Nam: Tiến sĩ Đỗ Đức Cường.
Ông Đỗ Đức Cường đang trình bày về máy ATM.
Từ đứa trẻ suýt chết đói đến chuyên gia ngân hàng toàn cầu
Sinh năm 1945 tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi – một vùng quê nghèo của miền Trung Việt Nam, tuổi thơ của Đỗ Đức Cường là chuỗi ngày sống trong thiếu thốn và mất mát. Các anh chị em của ông lần lượt qua đời vì đói, còn bản thân ông từng một lần “chết hụt” khi mới lên sáu. Chính trải nghiệm tận cùng đói nghèo đã gieo vào lòng ông một khát khao mãnh liệt: phải vươn lên, không chỉ để bản thân sống tốt hơn, mà để mọi người xung quanh mình cũng có cơ hội đổi đời.
Ban đầu, ông theo học tại Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, nhưng sau chuyển sang ngành kỹ thuật cơ khí tại Đại học Phú Thọ (nay là Trường ĐH Bách khoa TP.HCM). Năm 1963, trong kỳ kiểm tra của một phái đoàn của Nhật nghiên cứu về trí thông minh người Việt Nam, ông Đỗ Đức Cường là người có chỉ số thông minh cao nhất, và được cấp học bổng sang Nhật Bản để theo học tại Đại học Osaka.
Tại Nhật, ông vừa học vừa làm thêm tại tập đoàn Toshiba, nơi giúp ông tích lũy kiến thức công nghệ và rèn luyện tác phong công nghiệp. Từ đó, ông bắt đầu tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật hiện đại và nuôi dưỡng ước mơ ứng dụng công nghệ để phục vụ cộng đồng.
Góp phần cải tiến máy ATM – bước ngoặt ngân hàng thế giới
Sau thời gian học tập và làm việc tại Nhật, ông được phía Mỹ mời sang tham gia lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Giai đoạn cuối thập niên 1970, ông gặp giám đốc Citibank trong một buổi hòa nhạc và được mời về tập đoàn này làm việc. Mục tiêu mà tổng giám đốc Citibank giao cho ông rất rõ ràng: “Dùng công nghệ để giúp ngân hàng có 1 tỷ khách hàng”.
Khi đó, ngân hàng chủ yếu phục vụ giới trung lưu trở lên, giao dịch vẫn diễn ra thủ công tại các chi nhánh. Ông Đỗ Đức Cường nhận ra: nếu ngân hàng muốn phát triển bền vững, thì phải tiếp cận với những người dân bình thường, “cô bán cà phê, anh chạy xe ôm cũng phải là khách hàng ngân hàng”. Từ đó, ông ấp ủ chiến lược “bình dân hóa” dịch vụ tài chính.
Năm 1977, ông chính thức gia nhập Citibank với vai trò kỹ sư cao cấp, và bắt đầu hành trình đồng phát triển chiếc máy ATM cùng đội ngũ kỹ sư tại đây. Khi ấy, máy ATM đầu tiên được thiết kế to gấp bốn lần hiện nay, nặng nề và chi phí chế tạo lên đến 1 triệu USD. Tuy nhiên, nó chỉ thực hiện được một số chức năng cơ bản như rút tiền.
Không dừng lại ở nguyên mẫu, suốt 20 năm tiếp theo tại Citibank, ông Đỗ Đức Cường tiếp tục cải tiến thiết kế ATM: làm máy gọn nhẹ hơn, dễ vận hành hơn, tương thích với nhiều hệ thống ngân hàng và có thể phục vụ khách hàng đại chúng. Một trong những cột mốc quan trọng là bằng sáng chế số D386883 do Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp năm 1997, mà ông là một trong 4 đồng tác giả. Đó là thành quả của hàng nghìn giờ nghiên cứu và thử nghiệm trong môi trường tài chính khắt khe nhất thế giới.
Tổng cộng, ông đã sở hữu ít nhất 58 bằng sáng chế trong lĩnh vực ngân hàng và viễn thông, góp phần đặt nền móng cho hệ thống tài chính tự động hiện đại mà cả thế giới đang sử dụng.
Người thầy không bục giảng – đào tạo thế hệ chuyên gia trẻ
Sau hơn 30 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, tháng 6/2003, khi đã ngoài 50 tuổi và đang là một chuyên gia ngân hàng nổi tiếng tại Mỹ với mức lương trên 1 triệu USD/năm, Tiến sĩ Đỗ Đức Cường quyết định trở về Việt Nam. Một phần vì mẹ ông bệnh nặng, phần khác vì ông nhận ra: quê hương vẫn còn nghèo, ngành ngân hàng vẫn còn “bỏ quên người bình dân”.
Ông bắt tay hợp tác với ngân hàng Đông Á – nơi mới chỉ có vài máy ATM và còn chưa quen với kỹ thuật bảo trì, vận hành. Không chỉ cung cấp giải pháp công nghệ, ông còn đào tạo đội ngũ kỹ sư ATM, từ lắp đặt đến sửa chữa, giúp ngành ngân hàng nội địa không còn lệ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. Đồng thời, ông chuyển nhượng bản quyền 8 phát minh của mình cho một đơn vị nước ngoài với điều kiện duy nhất: cung cấp máy ATM cho ngân hàng Việt Nam với giá rẻ nhất, không qua trung gian và hỗ trợ kỹ thuật miễn phí dài hạn.
Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á chia sẻ: “Tiến sĩ Cường không chỉ là một chuyên gia, mà là một nhà chiến lược, một người có tâm. Ông làm việc vì trách nhiệm, không vì lợi nhuận”.
Hiểu rõ rằng tương lai thuộc về người trẻ, Tiến sĩ Đỗ Đức Cường mở các chương trình đào tạo chuyên gia ngân hàng trẻ. Ông không tự nhận mình là thầy, mà chỉ là “người bạn lớn tuổi” sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Ông khuyến khích học viên tranh luận, phản biện, và quan trọng nhất là học cách tự sửa sai. Nhờ cách đào tạo này, nhiều học trò của ông đã trở thành chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.
“Tôi đã tâm nguyện sẽ sống chết cùng các em, các cháu đến hết quãng đời còn lại trên chính quê hương mình”, ông từng chia sẻ.
Với những cống hiến của mình, ông được vinh danh với danh hiệu “Vinh danh nước Việt” năm 2006 và hiện là Đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc – vai trò mà nhiều ngôi sao quốc tế như Emma Watson, Shakira hay Selena Gomez cùng đảm nhận.
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tu-cau-be-suyt-doi-la-den-cha-de-atm-hien-dai-post1551522.html