Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đấu thầu tội nặng lắm!”

Điểm danh những “tội” của đấu thầu, Tổng Bí thư Tô Lâm nói, “tội nặng lắm, tội chậm tiến độ phát triển, tội chậm công trình, tội chất lượng kém, tội làm hư hỏng, mất cán bộ, lại không tiết kiệm nữa”.

Nhận định đầu thầu tội nặng lắm, làm chậm công trình, mất cán bộ, được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra khi phát biểu tại tổ thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật (Đấu thầu; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Hải quan; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Đầu tư; Đầu tư công; Quản lý, sử dụng tài sản công), chiều 17/5.

“Luật pháp không phục vụ cho nhóm lợi ích nào cả”

Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Theo ông, trước đây xây dựng pháp luật chỉ nghĩ đến quản lý xã hội, quản lý hành vi, cái gì không quản lý được thì “cấm hết”.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, “đấu thầu tội nặng lắm! Tội chậm tiến độ phát triển, tội chậm công trình, tội chất lượng kém, tội làm hư hỏng mất cán bộ, lại không tiết kiệm nữa”. Ảnh: P.Thắng

Còn bây giờ, theo Tổng Bí thư, phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bị động” sang “chủ động và kiến tạo cho sự phát triển”, chấm dứt việc xây dựng pháp luật để quản lý và cái gì không quản được thì cấm.

Với khối lượng công việc rất lớn trong sửa luật, hoàn thiện thể chế, Tổng Bí thư nhắc lại yêu cầu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Dù “hàng lối chưa được thẳng, vẫn xộc xệch”, nhưng theo Tổng Bí thư vẫn phải “chạy”, bởi nếu chờ hàng ngũ chỉnh tề mới chạy thì các nước đã đi rất xa rồi.

Tổng Bí thư nêu rõ yêu cầu, xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, có tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và phục vụ nhu cầu phát triển.

“Khi xây dựng luật, ta phải hình dung ra sự phát triển sẽ như thế nào, nếu không có được tư duy đó thì rất khó”, Tổng Bí thư nêu quan điểm.

Song song là thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng và thực chất, gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và xã hội. “Luật pháp không phục vụ cho nhóm lợi ích nào cả, mà phục vụ cho toàn dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin-cho, triệt tiêu các lợi ích cục bộ và đặc quyền. Phải bỏ tư duy “ai xây dựng dự luật gì là bảo vệ quyền lợi, tạo lợi ích cho mình ở việc đó”, theo quán triệt của Tổng Bí thư.

“Tại sao mình có tiền mà không tiêu được hết”

Đề cập đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật (Đấu thầu; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Hải quan; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Đầu tư; Đầu tư công; Quản lý, sử dụng tài sản công), Tổng Bí thư nói, đây là những “điểm chốt” cần tháo gỡ.

“Nhiều năm rồi, nhu cầu phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay vốn nước ngoài, mà mình có tiền không tiêu được hết. Tại sao?”, Tổng Bí thư đặt vấn đề.

Với đấu thầu, theo Tổng Bí thư, chỉ quy trình thực hiện cũng gần hết năm, khi mấy tháng chọn thầu, rồi mấy tháng mở thầu mấy tháng là chấm thầu.

“Nếu thế, làm gì còn thời gian để thực thi nữa. Trong khi, tiền ngân sách phải phân bổ trong năm đấy, không được để tiền năm nay, sang năm sau tiêu, nên rất khó”, Tổng Bí thư nêu.

Vì “vướng” các thủ tục, đầu tư công quý I thường không tiêu được tiền, bao giờ giải ngân cũng thấp nhất.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tổ. Ảnh: P.Thắng

Muốn sửa Luật Đấu thầu, theo Tổng Bí thư, phải tổng kết “xem ông đấu thầu có tội gì”. “Tội chậm tiến độ phát triển, tội chậm công trình, tội chất lượng kém, tội làm hư hỏng mất cán bộ, lại không tiết kiệm nữa”, Tổng Bí thư điểm danh những “tội” của đấu thầu.

“Đấu thầu mục tiêu là để làm hiệu quả nhất, đẩy nhanh được tốc độ lớn nhất, để có được cái công trình hay nhất, nhưng các yêu cầu này đều không đạt được”.

Soi vào các mục tiêu trên, Tổng Bí thư nhận định, “tội của đấu thầu nặng quá, cho nên làm sao phải chữa được những bệnh này”.

Đấu thầu không quy được trách nhiệm phải “ngậm đắng, nuốt cay”

Cho biết qua 2 cuộc làm việc với Bộ Y tế, Tổng Bí thư nói với quy trình đấu thầu thuốc hiện nay, người bệnh Việt Nam không tiếp cận được với thuốc tiên tiến của thế giới.

“Cứ phải xách tay, ngoài luồng, tạo điều kiện cho buôn lậu, hàng giả. Bệnh viện cấp thuốc không ai uống cả, rất lãng phí. Máy móc tiến bộ nhất, công nghệ hiện đại nhất người bệnh có tiếp cận được không?”, Tổng Bí thư đặt vấn đề và nói đây là “tội” của các quy định về đấu thầu, “tội” của việc thực thi, nên phải tìm cách chữa ngay.

Về đầu tư công, Tổng Bí thư nhận định hợp tác công – công “rất khó khăn”. Ông ví dụ, đều là tiền Nhà nước, địa phương muốn góp tiền làm dự án cho nhanh cũng không được.

Hợp tác công – tư cũng khó. Theo Tổng Bí thư, chúng ta muốn huy động nguồn lực toàn dân, nhưng tư nhân đóng góp vào không được vì đây là công trình Nhà nước.

“Mình cứ nghĩ công phải ra công, tư phải quản lý theo kiểu tư, công tư vào đây là không quản lý được vì có thể lại biến tài sản công của Nhà nước thành tài sản tư”, Tổng Bí thư nói và cho rằng phải thay đổi tư duy quản lý.

Tiếp tục nói về các quy định về đấu thầu, Tổng Bí thư chỉ ra thực tế, “đấu thầu nói để chặn tiêu cực, nhưng thực chất có chặn được không hay thông thầu, bán thầu hết rồi, che đậy cho nhau hết rồi? Nói làm đường có máy nọ máy kia, nhưng thực tế bán thầu đến F9, F10, công nhân vẫn phải ngồi gánh đá, đập đá, có thấy máy móc nào đâu”.

Đặt câu hỏi về trách nhiệm, Tổng Bí thư nói thêm rằng có rất nhiều chuyện đấu thầu, trúng thầu không quy được trách nhiệm ở đâu cả, phải “ngậm đắng nuốt cay”.

Vì vậy, theo Tổng Bí thư, phải giải quyết được bất cập để phục vụ phát triển, huy động và khơi thông nguồn lực, giải ngân vốn đầu tư công nhanh và thúc đẩy hợp tác công tư; phải có trách nhiệm với công trình Nhà nước như nhà mình.

Nguồn Báo Thanh Tra: https://thanhtra.com.vn/doi-noi-52FA82FBF/tong-bi-thu-to-lam-dau-thau-toi-nang-lam-50859d531.html

TIN LIÊN QUAN
error: