Theo Luật Nhà giáo, giáo viên sẽ không còn được nghỉ hè 8 tuần từ 1.1.2026

Từ 1.1. 2026, khi Luật Nhà giáo 2025 có hiệu lực, sẽ không còn thời gian nghỉ hè 8 tuần dành cho giáo viên như trước đây.

Từ 1.1.2026, Luật Nhà giáo 2025 có hiệu lực, quy định cứng về thời gian nghỉ hè sẽ không còn. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Chế độ làm việc của nhà giáo

Trước đây, các văn bản quy định về chế độ làm việc của nhà giáo đã ghi rõ: giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên biệt được nghỉ hè tối đa 8 tuần mỗi năm (kể cả phép năm).

Tuy nhiên, tại điều 16 Luật Nhà giáo 2025 quy định như sau:

Điều 16. Chế độ làm việc của nhà giáo

1. Chế độ làm việc của nhà giáo bao gồm thời gian làm việc, thời gian nghỉ hè hằng năm và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật.

2. Thời gian làm việc của nhà giáo là thời gian thực hiện hoạt động nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này.

3. Thời gian nghỉ hè hằng năm và các ngày nghỉ khác của nhà giáo được bố trí phù hợp đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và loại hình cơ sở giáo dục theo quy định của Chính phủ.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết chế độ làm việc đối với nhà giáo các cấp học và trình độ đào tạo, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết chế độ làm việc đối với nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.

Theo đó, tại khoản 3, Điều 16 Luật Nhà giáo quy định: “Thời gian nghỉ hè hàng năm và các ngày nghỉ khác của nhà giáo được bố trí phù hợp đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và loại hình cơ sở giáo dục theo quy định của Chính phủ”.

Như vậy, khi Luật Nhà giáo có hiệu lực từ 1.1.2026, quy định cứng về thời gian nghỉ hè sẽ không còn.

Tiền lương và phụ cấp giáo viên

Ngoài quy định về chế độ làm việc của nhà giáo, Luật Nhà giáo còn quy định tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo.

Tại Điều 23, Luật Nhà giáo quy định:

1. Tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được quy định như sau:

a) Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;

b) Phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp khác theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;

c) Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường.

2. Tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Nhà giáo công tác ở ngành, nghề có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định của pháp luật và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/theo-luat-nha-giao-giao-vien-se-khong-con-duoc-nghi-he-8-tuan-tu-112026-1544167.ldo

TIN LIÊN QUAN
error: