Sau 10 năm tham gia bảo hiểm nhân thọ, đóng hơn 200 triệu đồng, người mua nhận về gần 100 triệu đồng
Tham gia đóng bảo hiểm nhân thọ 10 năm, tổng số tiền mà người mua đã đóng là hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến khi đáo hạn hợp đồng, số tiền nhận về chưa đầy 100 triệu đồng.
Ảnh minh họa
“Năm 2015, tôi quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ. Theo tư vấn viên, với tài chính cá nhân ở thời điểm đó, mỗi năm tổng phí bảo hiểm phải nộp của tôi ước tính 20 triệu đồng. Sau thời hạn đóng bảo hiểm 10 năm, nếu không có rủi ro phát sinh, số tiền này coi như khoản tích lũy đáng kể. Còn nếu không may có rủi ro phát sinh, bảo hiểm nhân thọ sẽ có trách nhiệm chi trả tiền nằm viện, thuốc, phẫu thuật,…
Tuy nhiên, đến thời điểm hợp đồng bảo hiểm kết thúc, số tiền tôi nhận về chưa đầy 100 triệu đồng. Khi tra soát vào các khoản phí, tôi mới biết lý do vì sao: Đóng 200 triệu nhưng tiền nhận về chưa đầy 100 triệu đồng.
Phí bảo hiểm bổ sung chính là thẻ chăm sóc sức khỏe dành tôi cùng 2 con. Dựa trên bảng minh họa, số tiền chi trả cho 3 thẻ chăm sóc sức khỏe dao động từ 7-8 triệu đồng và tăng hàng năm căn cứ theo tuổi của tôi.
Ngoài ra, trong số tiền bảo hiểm tôi nộp sẽ phải chi trả cho nhiều khoản phí bao gồm: Phí ban đầu, phí quản lý hợp đồng, phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý quỹ. Các mức phí này sẽ dao động từ 2-9% mỗi năm dựa tổng giá trị hợp đồng bảo hiểm mà tôi chi trả.
Như vậy, thực tế, trong 20 triệu tiền phí đóng bảo hiểm, số tiền bị khấu trừ mỗi năm lên tới gần 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, điều này ít xảy ra trong thực tế vì khoảng thời gian đóng bảo hiểm kéo dài tới 10 năm và tôi không thể quyết định hoặc kiểm chứng “sức khỏe” của công ty bảo hiểm.
Sau quá trình tìm hiểu, tôi thấy rằng, việc tư vấn mua bảo hiểm sau 10 năm được nhận phí đã đóng về và còn được trả lãi như gửi tiền tiết kiệm sẽ không xảy ra. Bảo hiểm nhân thọ hiện có 2 dòng sản phẩm chính là bảo hiểm hỗn hợp truyền thống (có cả yếu tố bảo vệ và tiết kiệm); bảo hiểm liên kết đầu tư (có liên kết đầu tư chung và liên kết đầu tư đơn vị, bao gồm các yếu tố bảo vệ và liên kết đầu tư).
Với sản phẩm truyền thống hỗn hợp, thông thường công ty bảo hiểm có cam kết đảm bảo chia lãi một tỉ lệ nhất định (thường thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm).
Với sản phẩm liên kết đầu tư, phí bảo hiểm khách hàng đóng được công ty bảo hiểm đầu tư và khách hàng hưởng lợi theo kết quả đầu tư của công ty.
Điều này được hiểu đó là kết quả đầu tư chung nếu khách hàng lựa chọn mua sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chung, kết quả đầu tư của từng quỹ riêng biệt của công ty bảo hiểm, từ quỹ đầu tư an toàn đến quỹ đầu tư mạo hiểm để khách hàng lựa chọn và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.
Phía doanh nghiệp bảo hiểm không cam kết về kết quả đầu tư. Vì vậy, có thể sau 10 năm khách hàng có thể nhận được số tiền cao hơn hay thấp hơn số tiền tương đương gửi tiết kiệm là căn cứ theo hiệu quả hoạt động đầu tư thực tế của công ty bảo hiểm. Nhưng đây cũng là con số khó kiểm soát với người tham gia bảo hiểm”.
*Theo chia sẻ của chị N.L (Hà Nội)
Đức Anh (ghi)/ An ninh tiền tệ