Quảng Ngãi huy động mọi nguồn lực quyết liệt dập tắt dịch tả lợn châu Phi

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, hiện biểu đồ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch, tỉnh yêu cầu tập trung huy động mọi nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nhằm sớm khống chế và dập tắt các ổ dịch tả lợn châu Phi.

Dịch tả lợn châu Phi lây lan ra 34 xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tính đến ngày 21/7, xảy ra tại 1.685 cơ sở chăn nuôi thuộc 243 thôn, 34 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy bắt buộc 9.610 con (bao gồm 2.911 lợn nái, 4.021 lợn thịt và 2.687 lợn con), với tổng khối lượng 577.355kg.

Tuồn lợn dịch đưa đi tiêu thụ

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Văn Chung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vấn đề đáng lo ngại nhất là ý thức của một bộ phận người dân trong việc chưa cao, còn trường hợp bán chạy lợn mắc bệnh hoặc vứt xác lợn mắc bệnh chết ra môi trường dẫn tới làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng và ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân.

Thượng tá Huỳnh Đức Mẫn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong tháng 7, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh phát hiện 2 vụ việc liên quan đến vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn không rõ nguồn gốc, nghi mắc bệnh.

Cụ thể, ngày 10/7, Công an xã Nghĩa Hành phát hiện bà Trần Thị Lệ Thu (sinh năm 1983, ở thôn Phúc Minh, xã Nghĩa Hành) dùng xe máy vận chuyển 1 con lợn chết, nặng khoảng 50kg (đang trong tình trạng hôi thối) đến khu vực rẫy keo thuộc tổ dân phố Phú Bình Tây (xã Nghĩa Hành) để vứt bỏ. Hành vi trên của bà Thu vi phạm điểm a khoản 6 Điều 5 mục 1, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ, cho nên Công an xã Nghĩa Hành ra quyết định xử phạt đối với bà Thu số tiền 5 triệu đồng.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Ngãi phát hiện vụ mua bán, vận chuyển lợn mắc bệnh tại xã Nghĩa Hành.

Cũng tại xã Nghĩa Hành, ngày 14/7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Ngãi phát hiện có hoạt động thu gom, vận chuyển 72 con lợn, gồm 69 con lợn trên thùng xe tải (trong đó có 3 con đã chết) và 3 con nhốt trong chuồng trại.

Qua kiểm tra, bà Trần Thị Thùy Dương (sinh năm 1979, ở xã Nghĩa Hành) không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ kiểm dịch liên quan đến số lợn nêu trên; đồng thời khai nhận 72 con lợn được bà thu gom của các thương lái mua lợn của người dân trên địa bàn xã Nghĩa Hành và các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (nơi có dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh) với số tiền hơn 85 triệu đồng để vận chuyển vào tỉnh Gia Lai và Đồng Nai giết mổ và bán lại cho các cơ sở chế biến thực phẩm, thức ăn cho người (lạp xưởng) để kiếm lời.

Lợn bị dịch bệnh chết nhưng vẫn được bà Trần Thị Thùy Dương ở xã Nghĩa Hành thu mua để vận chuyển đến nơi khác giết mổ.

“Kết quả xét nghiệm 22 mẫu máu, hạch, lách lợn thu ngẫu nhiên xác định 21/22 mẫu có kết quả dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu của tội phạm “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”, được quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự, nên hiện tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục điều tra, làm rõ”, Thượng tá Huỳnh Đức Mẫn thông tin.

Không chỉ việc tuồn lợn dịch bệnh đưa đi tiêu thụ, tình trạng người dân lợi dụng đêm khuya vắng người lén lút vứt xác lợn chết bừa bãi xuống kênh mương, sông, suối không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm phát tán mầm bệnh. Lãnh đạo xã Long Phụng cho biết, trên đoạn sông Vệ chảy qua địa bàn xã, mặc dù ngày hôm trước địa phương cử lực lượng vớt, xử lý xác lợn chết, song ngày hôm sau lại tiếp tục phát hiện xác lợn chết khiến việc phòng, chống dịch bệnh gặp khó khăn.

Trong khi nguy cơ dịch bệnh lây lan từ việc buôn bán, vận chuyển và tình trạng lợn chết vứt ra môi trường chưa được xử lý triệt để thì ở một số địa phương, sau khi sáp nhập lại chưa có cán bộ chuyên môn phòng chống dịch và loay hoay tìm vị trí để tiêu hủy lợn. Đơn cử, tại các phường trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi như Cẩm Thành, Nghĩa Lộ, lãnh đạo hai địa phương này cho biết, do địa bàn đô thị, dân cư đông đúc nên rất khó tìm vị trí tiêu hủy, chôn lấp lợn chết cách xa khu dân cư, dẫn tới công tác tiêu hủy gặp lúng túng.

Quyết liệt dập dịch

Để tổ chức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới, tại cuộc họp diễn ra vào chiều 22/7, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị Công an xã, phường, đặc khu phối hợp địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Quang cảnh cuộc họp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi diễn ra vào chiều 22/7.

Riêng lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp lực lượng thú y tại các Trạm kiểm dịch động vật Sa Huỳnh, Sao Mai, Măng Khênh tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm về vận chuyển (đặc biệt là vận chuyển lợn) để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với Ủy ban nhân dân các xã, phường, đặc khu, tập trung huy động lực lượng, các nguồn lực hợp pháp để kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để bùng phát dịch bệnh, hạn chế phát sinh ổ dịch mới; kiên quyết xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tập trung các nguồn lực để tổ chức xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động khoanh vùng, xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay từ khi mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động các cơ sở giết mổ động vật; kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép qua biên giới; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Văn Chung báo cáo tình hình dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi; nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vaccine cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ngân sách được giao để chi phục vụ công tác chống dịch trên địa bàn.

“Sở Nông nghiệp và Môi trường bảo đảm cung cấp đầy đủ vaccine, hóa chất cho các địa phương để tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và thực hiện khử trùng tiêu độc ổ dịch”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cam kết, đồng thời kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng đề án thành lập 23 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp liên xã trực thuộc Sở để phối hợp các xã, phường, đặc khu thực hiện các nhiệm vụ về chăn nuôi, thú y tại cơ sở.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, vai trò của chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh là hết sức quan trọng. Trước hết, cần thống kê, kiểm soát chặt chẽ số hộ nuôi lợn nhỏ lẻ, số lượng lợn bị bệnh hàng ngày để có biện pháp xử lý.

“Khi lợn bị dịch bệnh chết, các hộ nuôi phải phối hợp chính quyền tổ chức tiêu hủy theo đúng hướng dẫn và sẽ được hỗ trợ theo quy định. Đối với việc tiêu hủy lợn bệnh, các địa phương đang gặp khó trong việc tìm vị trí chôn lấp cần chủ động liên lạc với các địa phương lân cận. Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng phương án xử lý, tiêu hủy tập trung theo hình thức tiêu hủy và chôn lấp. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn. Làm tốt các vấn đề này sẽ khắc phục ô nhiễm môi trường và dịch bệnh lây lan”, Phó Chủ tịch Trần Phước Hiền yêu cầu.

HIỂN CỪ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quang-ngai-huy-dong-moi-nguon-luc-quyet-liet-dap-tat-dich-ta-lon-chau-phi-post895626.html

TIN LIÊN QUAN
error: