Phát hiện thép ‘dỏm’ tại cao ốc sập ở Bangkok, do công ty Trung Quốc cung cấp

Thống đốc Bangkok cho biết không phát hiệu dấu hiệu sự sống nào trong đống đổ nát của tòa nhà 30 tầng bị sập, trong khi ít nhất một mẫu thép ở đây bị phát hiện không đạt chuẩn.

Quang cảnh hiện trường tòa nhà bị sập ở Bangkok sáng 1-4 với cần cẩu, máy móc hạng nặng được huy động – Ảnh: REUTERS

Theo Đài BBC, trưa 1-4, Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt thông báo lực lượng chức năng không còn dò được bất kỳ dấu hiệu sự sống nào từ tòa nhà 30 tầng bị sập trong trận động đất hôm 28-3.

Không còn dấu hiệu sự sống

Đến nay đã có 13 người xác định tử vong, và vẫn còn 74 người chưa rõ số phận đang bị vùi dưới đống đổ nát tòa nhà.

Ông Chadchart cho biết nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn sẽ chuyển sang phương án đào sâu hơn vào đống đổ nát bằng cần cẩu hạng nặng. Ông cũng khẳng định trọng tâm của hoạt động cứu nạn giờ đây là “đưa các thi thể ra ngoài, và đây không phải chuyện dễ vì phải làm việc dưới đống đổ nát”.

Trước đó, lực lượng cứu hộ đã tránh sử dụng máy móc hạng nặng do lo ngại hiện trường đổ nát có thể bị sập thêm. Bên dưới mặt đất tòa nhà bị sập vẫn còn nhiều tầng hầm đỗ xe.

Giai đoạn đầu sau khi tòa nhà trên sập, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều dấu hiệu sống sót dưới đống đổ nát. Tuy nhiên từ đó đến nay họ mới chỉ tìm được 13 thi thể và chưa cứu sống được ai.

Bất chấp tuyên bố của ông Chadchart, chính quyền Thái Lan hiện vẫn chưa chính thức tuyên bố chuyển hoạt động tìm kiếm cứu nạn sang thành hoạt động tìm kiếm thi thể.

Thép xây tòa nhà không đạt chuẩn kỹ thuật

Chuyên gia nghiên cứu các mẫu thép gửi về từ hiện trường vụ sập tòa nhà – Ảnh: NATION THAILAND

Theo báo Nation Thailand, ngày 31-3, bà Thitipas Chotedechachainan, trợ lý bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan, thông báo Viện Sắt thép nước này phát hiện ít nhất một trong số các mẫu thép lấy từ hiện trường vụ sập tòa nhà 30 tầng không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

Mẫu thép không đạt chuẩn có nguồn gốc từ nhà máy của công ty Trung Quốc đặt tại tỉnh Rayong (Thái Lan). Đáng chú ý, nhà máy trên đã bị yêu cầu ngừng hoạt động từ tháng 12-2024 sau một cuộc kiểm tra của Bộ Công nghiệp. Khả năng lô thép được dùng cho công trình bị sập đã được mua từ trước thời điểm thanh tra.

Cũng theo bà Thitipas, cuộc điều tra vụ sập tòa nhà hiện tập trung vào chất lượng các sản phẩm thép thanh, dây điện và cao su. Việc thanh tra không chỉ nhằm đảm bảo an toàn mà còn để ngăn chặn tình trạng bán phá giá hàng hóa từ nước ngoài và bảo vệ ngành sản xuất nội địa.

Đến nay, bảy nhà máy đã bị thanh tra, bao gồm cả cơ sở của doanh nghiệp Thái Lan và thực thể nước ngoài, hầu hết là Trung Quốc. Bà Thitipas cảnh báo ngay cả khi một số nhà máy đã đóng cửa, các cổ đông và đơn vị nhập khẩu liên quan vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm.

Trước đó, theo kênh NDTV News, ngày 30-3, cảnh sát Thái Lan đã tạm giữ bốn công dân Trung Quốc vì xâm nhập trái phép và lén lấy các tài liệu quan trọng tại công trình bị sập.

Khi điều tra, cảnh sát phát hiện một người đàn ông Trung Quốc gần hiện trường, người này khai mình là quản lý dự án công trình, có giấy phép lao động hợp lệ và làm việc cho đơn vị thi công.

Cảnh sát sau đó tiếp tục phát hiện ba người Trung Quốc khác và thu giữ 32 tài liệu quan trọng họ lấy từ khu vực phía sau tòa nhà bị sập. Nhóm này khai rằng họ là nhà thầu phụ và vào hiện trường để thu hồi tài liệu phục vụ cho yêu cầu bảo hiểm, các giấy tờ được lưu trữ trong một container dùng làm văn phòng tạm thời của công ty.

Tòa nhà bị sập đang trong quá trình thi công (hơn 3 năm) trước khi bị sập, do một công ty có vốn đầu tư Trung Quốc thực hiện. Hiện công ty này cũng đang bị điều tra liên quan đến nguyên nhân vụ sập.

Nghị sĩ Thái Lan phải đội mũ bảo hộ, mặc áo phản quang khi họp ở tòa nhà Quốc hội

Phó chủ tịch Thượng viện Thái Lan Boonsong Noisophon chủ trì cuộc họp Thượng viện ngày 31-3 với trang bị đầy đủ gồm mũ bảo hộ, áo phản quang – Ảnh: THAI PBS

Theo báo Thai PBS, ngày 31-3, Thượng viện Thái Lan họp với sự chủ trì của Phó chủ tịch Thượng viện Boonsong Noisophon. Đáng chú ý tại phiên họp này là các nghị sĩ được “trang bị đầy đủ” mũ bảo hộ, áo phản quang, còi và đèn pin.

Động thái này được thực hiện sau khi trận động đất ngày 28-3 làm suy yếu kết cấu nhiều công trình ở Bangkok. Bản thân tòa nhà Quốc hội Thái Lan cũng xuất hiện nhiều vết nứt.

Tại phiên họp, ông Boonsong cho biết kết quả kiểm tra xác nhận tòa nhà này vẫn kiên cố, an toàn và có thể hoạt động bình thường. Các vết nứt chủ yếu chỉ xuất hiện trên lớp trát tường. Các kịch bản sơ tán trong tình huống khẩn cấp cũng đã được diễn tập tại phòng họp.

Tại phiên họp, ông Boonsong cũng đã thay mặt Thượng viện Thái Lan gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và lời thăm hỏi đến người dân bị ảnh hưởng. Các thành viên trong cuộc họp đã dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân.


Nhóm người Trung Quốc lén lấy tài liệu từ tòa nhà Thái Lan bị sập trong động đất

Cảnh sát Thái Lan điều tra 4 công dân Trung Quốc với cáo buộc xâm nhập trái phép tòa nhà bị sập do động đất ở Bangkok tuần trước.

Thiếu tướng cảnh sát Thái Lan Nopasin Poolswatcho, phó lãnh đạo cơ quan cảnh sát thủ đô, ngày 30/3 cho biết 4 công dân Trung Quốc xâm nhập trái phép tòa nhà hơn 30 tầng ở đường Kamphaeng Phet, quận Chatuchak, Bangkok để lấy 32 tập tài liệu tại đây.

Trong trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3, tòa nhà chưa hoàn thiện đã đổ sập chỉ trong vài giây, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và 76 người mất tích, hầu hết đều là công nhân. Tính cả những trường hợp gặp nạn ở nơi khác, thành phố Bangkok ghi nhận tổng cộng 18 người chết, 78 người mất tích.

Sau trận động đất, lãnh đạo Bangkok tuyên bố khu vực tòa nhà bị sập là vùng thảm họa, không được phép tự ý ra vào. Tuy nhiên, tới ngày 29/3, cảnh sát nhận được thông tin rằng một số cá nhân đang lấy tài liệu khỏi hiện trường.

Hiện trường tòa nhà bị sập ở Bangkok, Thái Lan, ngày 31/3. Ảnh: AFP

Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện một người đàn ông Trung Quốc tự nhận là quản lý dự án, có giấy phép lao động hợp lệ và làm cho bên thi công tòa nhà. Ba người đàn ông còn lại bị cảnh sát phát hiện khi đem theo 32 tài liệu và đã bị tịch thu.

4 người này khai họ là nhân viên của nhà thầu phụ làm việc cho một nhà thầu thuộc Italian-Thai Development Plc và vào hiện trường để lấy các giấy tờ nộp cho bên bảo hiểm. Sau thẩm vấn, nhóm người này được thả, nhưng bị bắt lại hôm 30/3. Giới chức quận Chatuchak đệ đơn kiện 5 người, gồm 4 người đàn ông nói trên và chủ của họ, với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vào hiện trường vụ sập và lấy đi các bản thiết kế cùng nhiều tài liệu liên quan tòa nhà.

Tòa nhà ở Bangkok, Thái Lan, đổ sập do động đất hôm 28/3. Video: Phoenix TV

Tòa nhà bị sập do liên doanh giữa Italian-Thai Development Plc và China Railway No.10 Engineering Group xây dựng, với chi phí hơn 2 tỷ baht (hơn 58 triệu USD). Sau khi hoàn tất, tòa nhà dự kiến là trụ sở của Văn phòng Kiểm toán Nhà nước Thái Lan. Giới chức xác nhận chỉ có tòa nhà này bị sập trong trận động đất hôm 28/3, làm dấy lên hoài nghi về chất lượng xây dựng công trình này.

Ngọc Ánh (Theo NDTV, Bangkok Post, AFP)

TIN LIÊN QUAN