Nữ giáo viên mất trắng 240 triệu đồng trước Tết vì dính bẫy đầu tư tiền ảo

Đầu tư tổng cộng 240 triệu vào một dự án tiền ảo, được hứa hẹn trả lãi hàng tháng lên đến 8 triệu đồng, cô không ngờ đã sập bẫy.

Biết tôi làm trong lĩnh vực tài chính, một nữ giáo viên tại trường tiểu học ở quê đã gọi điện xin gặp và khóc nức nở. Cô nhờ tôi tư vấn về việc cô đã trót đầu tư ba gói tiền ảo. Với giọng nói đầy lo lắng, cô kể rằng đã đầu tư tổng cộng 240 triệu đồng vào một dự án tiền ảo, được hứa hẹn trả lãi hàng tháng lên đến 8 triệu đồng.

Mới đầu, mọi việc diễn ra suôn sẻ, cô nhận được lãi đều đặn. Nhưng sau vài tháng, khi cô muốn rút tiền, các đối tượng lại yêu cầu cô phải nộp thêm tiền để tiếp tục giao dịch. Cô bắt đầu cảm thấy hoang mang, không biết phải làm gì khi mà khoản tiền đầu tư ngày càng lớn, trong khi chưa thấy dấu hiệu nào của việc rút vốn thành công.

Câu chuyện của cô chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dân ở nông thôn quê tôi, đặc biệt là các giáo viên và cán bộ xã, rơi vào bẫy lừa đảo đầu tư tiền ảo. Những kẻ lừa đảo này lợi dụng sự thiếu hiểu biết về đầu tư và tài chính của người dân, vẽ ra những “cơ hội làm giàu nhanh chóng”, khiến họ dễ dàng tham gia vào các gói đầu tư với mức lợi nhuận “khủng”.

Các hình thức đầu tư này thường có mức lợi nhuận hấp dẫn, từ 10-15% mỗi tháng, và người tham gia sẽ được trả lãi hàng tháng. Ban đầu, mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ, các đối tượng trả lãi đều đặn để tạo lòng tin. Tuy nhiên, sau vài tháng, khi các nạn nhân yêu cầu rút tiền, chúng bắt đầu đưa ra lý do “khó khăn trong giao dịch” và yêu cầu nộp thêm tiền để “kích hoạt” hoặc tiếp tục đầu tư. Những người tham gia vì muốn rút vốn hoặc lấy lại lãi đã tiếp tục nộp thêm tiền mà không hay biết rằng mình đã bị lừa.

Đáng tiếc, cô giáo trong câu chuyện trên không phải là trường hợp duy nhất dính bẫy lừa mà tôi biết. Một số người vay mượn tiền từ ngân hàng, anh em, bạn bè để tham gia vào các gói đầu tư tài chính “hứa hẹn”, nhưng khi không thể rút được tiền, họ đã lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất. Nhiều gia đình phải gánh chịu những hệ lụy đau lòng: mâu thuẫn gia đình gia tăng, tình trạng tài chính suy sụp, và niềm tin vào các tổ chức tài chính hợp pháp cũng dần bị suy giảm.

Hệ quả của tình trạng này rất nghiêm trọng. Nó không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn tạo ra một sự khủng hoảng niềm tin trong cộng đồng. Khi những người có uy tín trong xã hội, như giáo viên và cán bộ xã, bị lừa đảo, cộng đồng sẽ dễ dàng mất niềm tin vào các tổ chức tài chính hợp pháp, gây khó khăn cho việc phát triển bền vững của xã hội. Những mâu thuẫn trong gia đình, nợ nần không thể trả nổi, làm giảm chất lượng cuộc sống của rất nhiều người.

Là người làm trong lĩnh vực tài chính, tôi chỉ biết khuyên cô giáo kia bình tĩnh, nếu sau một vài lần thực hiện các thao tác rút tiền trên mạng, hoặc gặp trực tiếp để lấy tiền mà không được thì nên mạnh dạn báo cáo cơ quan công an địa phương, không nên e ngại mà giấu giếm sự thật. Đồng thời, tôi cũng khuyên cô cảnh báo mọi người trong gia đình hết sức cảnh giác để phòng tránh không tham gia vào những hoạt động đầu tư ảo tương tự.

Việc có lấy được tiền hay không phải chờ sự can thiệp của pháp luật và đó chắc chắn là một giấc mơ dài. Hiện nay, có rất nhiều kênh đầu để người dân tham gia, trong đó đầu tư tiền gửi vào ngân hàng là một kênh an toàn và sinh lời ổn định. Việc lao theo những hình thức đầu tư thiếu kiểm chứng, không được pháp luật bảo vệ sẽ kéo theo rất nhiều nguy cơ bị lừa, khiến bản thân người đầu tư mất trắng.

Làng quê tôi nói riêng và trên toàn Việt Nam nói chung đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin, khi mà những người dân mơ hồ về các cơ hội đầu tư lại dễ dàng bị lôi kéo vào các chiêu trò gian lận. Để giải quyết vấn đề này, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm vấn trạng lừa đảo này, cũng cần có sự phối hợp từ các tổ chức xã hội, trường học và cộng đồng để giúp người dân nâng cao nhận thức và bảo vệ chính mình khỏi các mối nguy hại từ đầu tư tài chính ảo.

(Theo VNexpress)

TIN LIÊN QUAN
error: