Người dân ở Quảng Ngãi đổ xô vào rừng nhặt quả ươi bay giá 420.000 đồng/kg
Rừng Trường Sơn Đông đỏ rực mùa ươi bay. Dân khắp nơi đổ về Kon Plông săn thứ quả vừa bay đẹp, vừa đắt giá – 420.000 đồng/kg.
Người dân Quảng Ngãi vào rừng khai thác ươi bay. Ảnh: Viên Nguyễn
Theo người dân vùng cao, mùa ươi bay thường bắt đầu từ khoảng cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, nhưng chỉ xuất hiện khoảng 4 năm một lần. Gần nửa tháng qua, rừng phòng hộ khu vực xã Kon Plông, tỉnh Quảng Ngãi khoác lên mình màu đỏ đặc trưng của quả ươi chín.
Quả ươi bay được mua với giá cao kỷ lục 420.000 đồng/kg. Ảnh: Viên Nguyễn
Khi gió thổi mạnh, những quả ươi dính vào cuống lá khô sẽ lìa cành, xoay tròn trong không trung như hoa chò nâu, sau đó rơi xuống đất hoặc mắc vào các tán lá rừng. Không chỉ mê hoặc bởi vẻ đẹp khi rơi, loại quả này còn mang lại giá trị kinh tế cao, thu hút đông đảo người dân vào rừng săn “lộc trời”.
Đứng từ đường Trường Sơn Đông ở xã Kon Plông, có thể dễ dàng nhìn thấy những vạt cây ươi chín đỏ rực giữa cánh rừng xanh thẳm. Gần đây, dọc theo các lối vào rừng thuộc xã Kon Plông, hàng trăm người dân đã kéo nhau vào rừng nhặt ươi.
Rừng ươi bay ở xã Kon Plong, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Viên Nguyễn
Chị Nguyễn Thị Nga, trú tại xã Sơn Tây, chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động: “Mùa ươi bay năm nay bà con rất phấn khởi. Giá thu mua lên đến 420.000 đồng/kg – cao nhất từ trước đến nay. Năm 2021 chỉ khoảng 200.000 đồng/kg. Mỗi ngày tôi thu mua khoảng 1 tạ quả ươi từ người dân. Ươi bay là dược liệu tự nhiên quý hiếm, vừa dùng làm thuốc, vừa để pha chế nước giải khát nên rất được thị trường ưa chuộng”.
Ngoài việc thu nhặt những quả ươi bay rụng xuống đất, nhiều người dân còn dùng dây thừng và thang dây để leo lên gần ngọn cây, sau đó dùng gậy đập cho quả rơi xuống.
Một người đàn ông tự tạo một chiếc thang bằng cây và dây rừng để lên leo cây khai thác ươi bay. Ảnh: Viên Nguyễn
Cây ươi có nhiều tên gọi khác nhau như: lười ươi, cây thạch, ươi bay, bàng đại hải, An Nam tử. Theo Đông y, quả ươi có vị ngọt, tính mát, đi vào kinh phế, giúp thanh nhiệt, giải độc, thông tiện. Dược liệu này thường được dùng để chữa ho khan, đau rát họng, nôn ra máu, đại tiện ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt… Quả ươi còn được sử dụng để pha chế nước giải khát.
Bên cạnh việc khai thác trong rừng, người dân cũng có thể tự trồng cây ươi tại vườn nhà. Sau khi thu hoạch, quả ươi được bán cho thương lái tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhằm bảo vệ rừng và nguồn ươi bay tự nhiên, ngành kiểm lâm nghiêm cấm các hành vi đốn hạ, chặt cành, hoặc sử dụng hóa chất để làm quả rụng.
Ươi bay sau khi khai thác, được thương lái đến tận cửa rừng để thu mua. Ảnh: Viên Nguyễn
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngày 10.7, ông Phan Quốc Vũ – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham – cho biết: “Mỗi khi đến mùa ươi bay, đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có cây ươi để ngăn chặn việc chặt phá rừng. Trước mùa ươi năm nay, chúng tôi đã tổ chức họp dân tại xã Kon Plông để tuyên truyền và yêu cầu bà con ký cam kết không được chặt cành hay đốn cây trong quá trình thu hái. Cây ươi mọc rải rác nên rất khó thống kê diện tích chính xác, nhưng ước tính có khoảng vài trăm héc-ta”.
VIÊN NGUYỄN
Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/nguoi-dan-o-quang-ngai-do-xo-vao-rung-nhat-qua-uoi-bay-gia-420000-dongkg-1538179.ldo