Ngân hàng không mua, dân biết bán vàng ở đâu?
Hơn 2/3 thời lượng phiên chất vấn tại Quốc hội hôm qua của các đại biểu với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng xoay quanh những bất ổn trong quản lý thị trường vàng.
Ai hưởng lợi khi giá vàng chênh lệch ?
Sáng 11.11, tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói người dân rất ủng hộ khi nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường. “Nhưng ngân hàng chỉ bán mà không mua, nếu người dân muốn bán vàng để lấy tiền mặt thì bán ở đâu? Việc bán vàng cũng chỉ diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM, sao không bán khắp cả nước để cho người dân thuận lợi khi có nhu cầu?”, ĐB hỏi.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. ẢNH: TTXVN
NHNN chủ yếu thực hiện biện pháp tăng nguồn cung thông qua việc bán vàng, chứ không mua lại. NHNN luôn khuyến cáo đây là mặt hàng biến động rất khó lường, phức tạp, việc đầu tư mặt hàng này sẽ có rủi ro nhất định. – Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Trả lời ĐB, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ về biến động mạnh của thị trường vàng VN, các giải pháp can thiệp ổn định thị trường như tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng, bán trực tiếp vàng qua 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước… Nhờ đó, chênh lệch giá vàng từ 15 – 18 triệu đồng/lượng nay chỉ còn 3 – 4 triệu đồng/lượng. Dù vậy, theo bà Hồng, tới đây thị trường vàng vẫn sẽ “tiếp tục diễn biến phức tạp”, trong khi VN lại không sản xuất vàng nên diễn biến rất khó lường.
Giải thích việc NHTM chỉ bán mà không mua vàng miếng, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN chủ yếu thực hiện biện pháp tăng nguồn cung thông qua việc bán vàng, chứ không mua lại. Chưa hài lòng với phần trả lời, ĐB Phạm Văn Hòa tranh luận, nếu NH chỉ bán mà không mua sẽ dẫn tới việc mua bán vàng trên chợ đen. “Dân bán hoài không ai mua, trong khi lượng vàng trong dân rất nhiều”, ông Hòa nêu.
Thông tin thêm, Thống đốc NHNN cho rằng việc mua hay không mua vàng có thể do nhiều nguyên nhân, nhất là trong bối cảnh thị trường vàng biến động, giá tăng, giảm theo từng giờ. Mỗi doanh nghiệp bán hay mua vàng từ người dân sẽ phải cân nhắc rất thận trọng để phòng ngừa rủi ro. “NHNN luôn khuyến cáo đây là mặt hàng biến động rất khó lường, phức tạp, việc đầu tư mặt hàng này sẽ có rủi ro nhất định”, bà Hồng nói.
Trong khi đó, theo ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), sự chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước cho thấy thị trường chưa ổn định, vàng đua nhau lập đỉnh khiến “người muốn mua thì hoa mắt chóng mặt, cơ quan quản lý thì đau đầu”. Ông Mai cũng đề nghị Thống đốc NHNN nêu giải pháp để người dân từ bỏ tâm lý tích trữ vàng, dành nguồn lực cho kinh tế. Đồng thời làm rõ thực tế khi giá vàng SJC chênh lệch với vàng thế giới, ai được hưởng lợi, ai thiệt hại khi mua vàng SJC.
Chia sẻ với ĐB Mai, theo Thống đốc NHNN, “vàng cũng là vấn đề đau đầu của thế giới”. Trước khi NHNN can thiệp, giá vàng quốc tế là 2.300 – 2.400 USD/ounce, nhưng đến giờ đã tăng lên đến 2.700 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng đến hơn 50%. Dù đã có nhiều biện pháp can thiệp thị trường, song Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng giá vàng chưa thực sự ổn định. NHNN sẽ đề xuất, tham mưu sửa đổi Nghị định 24 theo chủ trương chống vàng hóa. Về việc “ai lợi, ai thiệt”, theo bà Hồng, “lợi người này thì người kia bị mất”. Các DN khi kinh doanh mua bán vàng miếng cũng phải tính toán sao cho không chịu rủi ro.
Không khuyến khích người dân giữ vàng
ĐB Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) dẫn báo cáo về thị trường vàng có nêu một trong những tồn tại, hạn chế là chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành tiền mặt để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. “Vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế?”, bà Thanh chất vấn.
ĐB Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp. ẢNH: GIA HÂN
Ngân hàng chỉ bán mà không mua, nếu người dân muốn bán vàng để lấy tiền mặt thì bán ở đâu? Việc bán vàng cũng chỉ diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM, sao không bán khắp cả nước để cho người dân thuận lợi khi có nhu cầu?- ĐB Phạm Văn Hòa
Cho rằng đây là câu hỏi rất hay, song theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, chúng ta chống vàng hóa, đô la hóa thì không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Giá trị vàng rất lớn, nhưng khi nắm giữ có nghĩa là số tiền đấy người dân không sử dụng được.
Tham gia trả lời chất vấn, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng giá vàng tăng cao do nhiều nguyên nhân như giá vàng thế giới tăng, cung nhỏ hơn cầu; thị trường bất động sản đóng băng ở mức cao, do lãi suất ngân hàng thấp nên người dân có tâm lý không muốn gửi tiền. “Sản xuất kinh doanh khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có rủi ro. Vàng có thể là nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi”, Phó thủ tướng cho hay. Về giải pháp, ông Hồ Đức Phớc cho biết đã chỉ đạo mua bán phải đúng pháp luật và minh bạch, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý các công ty và cửa hàng vàng; có các giải pháp chống buôn lậu vàng.
Xem xét kỹ việc lập sàn giao dịch vàng
Trả lời ĐB Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) về thành lập sàn giao dịch vàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết một số nước như Trung Quốc đã lập sàn giao dịch vàng. Mặt tích cực là minh bạch thị trường, song việc lập sàn giao dịch đòi hỏi sự đầu tư về cơ sở hạ tầng. “NHNN phải phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu và đánh giá tác động kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất với Chính phủ ở thời điểm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của VN”, bà Hồng nói.
(Theo Thanh Niên)