Một công ty ở TP.HCM thay 70% nhân sự bằng AI
Sau khi ứng dụng AI vào quá trình dịch thuật, một công ty phát hành sách ở TP.HCM tiến hành tái cấu trúc và thu gọn bộ máy nhân sự, trong đó 70% cộng tác viên bị cho nghỉ việc.
AI giúp gia tăng hiệu suất công việc, song khiến nhân sự đứng trước nỗi lo bị đào thải. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.
Trong quá trình tinh gọn bộ máy nhân sự vừa qua, trưởng phòng bản quyền của công ty phát hành sách Vanlangbooks cho biết doanh nghiệp cắt giảm số lượng lớn nhân sự. 70% cộng tác viên dịch thuật và 30% biên tập viên là con số được đưa ra.
“Để thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, chúng tôi đưa AI vào hỗ trợ công việc, thay thế nhiều vị trí. Các vị trí còn lại sẽ được đào tạo thêm để phối hợp với công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) một cách hiệu quả hơn”, trưởng phòng chia sẻ với Tri Thức – Znews.
Sự đổ bộ của “làn sóng” AI trong những năm gần đây đẩy nhiều nhân sự ở các vị trí, ngành nghề, lĩnh vực vào thế khó, đứng trước nguy cơ bị đào thải. Theo khảo sát công bố tháng 4 của Trung tâm nghiên cứu Pew, phần lớn người trưởng thành tại Mỹ tin rằng AI sẽ khiến nhiều ngành nghề suy giảm nhân lực nghiêm trọng trong vòng 20 năm tới.
Cụ thể, 73% trong số 5.410 người tham gia khảo sát cho rằng các công việc như thu ngân, công nhân nhà máy (67%), nhà báo (59%) và kỹ sư phần mềm (48%) là những nghề có nguy cơ “biến mất” cao nhất. Hơn 1.000 chuyên gia AI cũng tham gia khảo sát và đồng tình với nhiều đánh giá trên, đồng thời nhấn mạnh rằng các nghề như tài xế xe tải cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ sự phát triển của công nghệ tự động hóa.
Một báo cáo khác từ Viện Brookings, công bố vào tháng 10 năm ngoái, chỉ ra rằng nhiều công việc trí óc cũng nằm trong nhóm dễ bị AI thay thế, đặc biệt trong các lĩnh vực hành chính văn phòng, pháp lý, tài chính, bán hàng và công nghệ thông tin.
Đây là xu hướng chung trên toàn thế giới, bao gồm thị trường Việt Nam. Bà Thủy Nguyễn, Giám đốc điều hành công ty tư vấn xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng TalentView Việt Nam, cho rằng AI chủ yếu thay thế các công việc mang tính lặp lại, không đòi hỏi tư duy sáng tạo cao.
Doanh nghiệp giảm lệ thuộc vào nhân sự
Trưởng phòng nhà phát hành sách thừa nhận AI không chỉ dịch đúng, mà còn bắt đầu học cách hành văn mượt mà, biết điều chỉnh theo ngữ cảnh. Khi được đặt câu hỏi phù hợp và huấn luyện đúng cách, công cụ này còn đề xuất cách diễn đạt rõ ràng hơn, tối ưu thời gian xử lý công việc.
Ngoài dịch thuật, AI cũng được công ty ứng dụng vào các khâu như hiệu đính sơ bộ, kiểm tra lỗi ngôn ngữ, tìm kiếm hình ảnh minh họa, dàn trang, thiết kế bìa và thậm chí là phân tích xu hướng xuất bản. Điều này giúp đội ngũ tập trung nhiều hơn vào công đoạn sáng tạo và chiến lược biên tập.
Tuy nhiên, người này đánh giá công cụ này vẫn có những giới hạn rõ ràng.
“AI không thể đánh giá tính phù hợp của nội dung với thị trường, độc giả hay văn hóa bản địa. Những quyết định chiến lược vẫn cần con người đảm nhiệm, đặc biệt ở vai trò phản biện và cảm thụ nghệ thuật”, trưởng phòng nói.
Quản lý Nga Phạm nhận thấy số lượng thành viên trong đội nhóm giảm xuống khi ứng dụng AI vào công việc.
Tại công ty sản xuất phim hoạt hình của quản lý cấp trung Nga Phạm (TP.HCM), quá trình tinh gọn nhân sự cũng diễn ra mạnh mẽ khi AI được ứng dụng sâu vào quy trình làm việc.
Trong tổ đội sản xuất phim hoạt hình trên YouTube của Nga, số lượng nhân sự từng cần đến là 10 người, bao gồm biên kịch, dựng phim, diễn hoạt, âm thanh, quản lý… Giờ đây, đội nhóm này chỉ còn lại 3 người nhờ tích hợp AI để xử lý nội dung, diễn hoạt và lồng tiếng.
Công ty hiện sử dụng nhiều công cụ AI khác nhau như ChatGPT để viết kịch bản và gợi ý cấu trúc nội dung, Midjourney để tạo hình ảnh và bối cảnh, Kling để dựng chuyển động nhân vật, hay ElevenLabs cho phần lồng tiếng đa ngôn ngữ. Ngoài ra, công ty còn triển khai đào tạo nhân sự sử dụng nền tảng Make AI, cho phép kết nối và tự động hóa nhiều công cụ trong một quy trình làm phim liền mạch.
“Biên kịch đang là vị trí dễ bị cắt giảm nhất trong ngành làm phim hiện tại”, quản lý cho biết. Bên cạnh đó, những nhân sự bị loại thường đến từ các bộ phận không đảm bảo hiệu quả kinh doanh, không có kỹ năng sử dụng AI hoặc yếu kém về năng lực chuyên môn.
Được biết, công ty của Nga Phạm hiện yêu cầu 100% nhân sự phải ứng dụng AI vào công việc. Quản lý cấp trung đánh giá hiệu suất làm việc đã tăng gấp 3 lần.
Song, cô khẳng định AI vẫn chưa thể thay thế vai trò chiến lược, định hình phong cách nghệ thuật hay xử lý nội dung cần chiều sâu cảm xúc.
Nhân sự mất việc vì AI
Từ phía nhân sự, nhân viên chăm sóc khách hàng Hoàng Nga (22 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) vừa bị sa thải hồi đầu năm nay do 80% công việc đã bị AI thay thế.
Các tác vụ của Nga tại một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế là trả lời tin nhắn, giải đáp thắc mắc của người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, cô cũng đảm nhiệm khâu “chốt” và lên đơn cho khách hàng.
Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, lãnh đạo công ty cô đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào khâu tư vấn và trả lời tin nhắn khách.
Ban đầu, Nga chủ quan cho rằng AI chỉ có thể đưa ra những thông tin đơn giản, phù hợp ở giai đoạn đầu của cuộc hội thoại, chưa thể thuyết phục người tiêu dùng “chốt đơn”. Song, theo thời gian, doanh nghiệp của cô đầu tư thêm chi phí nâng cấp hệ thống này, giúp câu trả lời trở nên thông minh, có cảm xúc hơn.
“Một số thông tin đưa ra vẫn sai sót, nhưng không đáng kể. Khi đọc lại các cuộc trò chuyện, tôi không rõ là mình hay AI đã nhắn tin với khách”, Hoàng Nga nói.
Khi công ty Nga bắt đầu ghi nhận những đơn bán ra đầu tiên do AI phụ trách, cô nhanh chóng nhận thức về khả năng bị đào thải của mình. Đúng như dự đoán, sau gần nửa năm thử nghiệm, lãnh đạo doanh nghiệp quyết định cắt giảm 70% nhân sự chăm sóc khách hàng, chỉ giữ lại một bộ phận nhỏ để quản lý công cụ trí tuệ nhân tạo.
Người lao động chấp nhận thực tế, tìm cách thay đổi, cập nhật kiến thức về AI để thích nghi, tồn tại. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.
Dù không vui vẻ khi phải rời đi, Hoàng Nga hiểu rằng đây là xu thế tất yếu. Trong bối cảnh hình thức bán hàng online ngày càng phát triển, kết hợp với sự trợ giúp từ các công cụ AI, vai trò của con người trong mô hình kinh doanh tất yếu giảm thiểu.
Để tránh tình trạng bị cắt giảm vì AI, Nga quyết định rẽ hướng, ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh cho các công ty phục vụ thị trường B2B. Vị trí này đòi hỏi nhân sự gặp gỡ trực tiếp khách hàng, đàm phán về điều khoản hợp đồng và đi đến quyết định ký kết.
Công việc liên quan mật thiết đến con người này hiện chưa bị thay thế bởi AI, vẫn còn chỗ cho Hoàng Nga. Song, sau khi bị sa thải đột ngột, cô cũng nhận được bài học đáng nhớ, không dám chủ quan, nỗ lực cập nhật kiến thức về AI, đặt mục tiêu “dùng nó, không để nó dùng mình”.
https://lifestyle.znews.vn/mot-cong-ty-o-tphcm-thay-70-nhan-su-bang-ai-post1545104.html