Loại bỏ cán bộ “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao Bộ Nội vụ việc xây dựng, đưa chỉ số KPI vào đánh giá hiệu suất công việc của công chức, chống lại tình trạng cán bộ nhà nước “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”.

Chiều 14/5, phát biểu thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Đào An Xuân (Phú Yên) cho rằng hành trình cải cách nền hành chính công vụ đòi hỏi phải đổi mới cách đánh giá cán bộ, công chức từ cảm tính sang định lượng, từ hình thức sang thực chất.

Cho ra khỏi hệ thống công chức yếu kém

Đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo khi đã bổ sung thêm tiêu chí đánh giá công chức bằng kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm. “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến tới xây dựng đội ngũ công chức chất lượng cao và có trách nhiệm”, bà Xuân nói.

Để điểm mới này thật sự đi vào cuộc sống, giúp lựa chọn những cán bộ, công chức có năng lực thật sự và cho ra khỏi hệ thống người yếu kém, đại biểu cho rằng cần cụ thể hóa tiêu chí, kèm theo đó là những nguyên tắc đạo đức phải tuân thủ đối với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đánh giá.

Đại biểu Lê Đào An Xuân phát biểu ý kiến (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo bà Xuân, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để ứng dụng chỉ số đánh giá hiệu suất công việc KPI vốn đã áp dụng thành công từ lâu ở doanh nghiệp vào khu vực nhà nước. Đây là một định hướng đúng, việc này không chỉ để đánh giá mà để phát triển và tạo động lực lâu dài cho đội ngũ công chức.

Theo bà Xuân, KPI phải gắn với đặc thù của vị trí việc làm và hành trình phát triển nghề nghiệp của công chức. Bởi, nếu chỉ dùng KPI để chấm điểm theo quý, theo năm thì sẽ rất khó khích lệ người dám làm, dám theo đuổi, dám chịu trách nhiệm.

“KPI cần được thiết kế như tấm bản đồ phát triển, tác động thực sự vào con đường tiến bộ, phát triển của công chức thay vì thẻ điểm hành chính thì mới khơi dậy được tinh thần đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ”, bà Xuân nêu ý kiến.

Cho rằng không thể “đo” hiệu quả nếu không có điều kiện thực hiện, theo đại biểu, muốn KPI hiệu quả phải đi kèm một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ như số hóa quy trình, phân quyền rõ ràng, cơ chế phối hợp minh bạch. KPI không thể tách rời bối cảnh thực thi, nếu không sẽ giống như việc áp dụng ISO trước đây, chỉ tạo thêm thủ tục hành chính mà không cải thiện chất lượng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần cơ chế thưởng – phạt rõ ràng gắn với kết quả KPI. Nếu đánh giá xong mà không ai được thưởng, không ai bị ảnh hưởng, thì KPI cũng hình thức. Chỉ khi người đạt chỉ tiêu vượt trội được đề bạt, được học tập, được khen thưởng kịp thời thì đó mới là động lực thực sự.

Tương tự, bà Xuân nêu rõ, người không đạt KPI liên tục cũng cần được hỗ trợ, đào tạo lại hoặc bố trí công việc phù hợp hơn. KPI chỉ phát huy tác dụng khi có tác động thực lên con đường công vụ của từng người, đó là điều khu vực công còn thiếu và cần thay đổi mạnh mẽ.

Ngoài ra, vị đại biểu cho rằng luật cần mạnh dạn quy định cơ chế “trách nhiệm cá nhân” cho người đứng đầu, đồng thời mạnh dạn giao thẩm quyền xây dựng chỉ số đánh giá cán bộ công chức trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan gắn với vị trí việc làm để dễ dàng cụ thể hóa, tăng tính khả thi, nhất là đối với các tiêu chí về hiệu quả, hiệu năng, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm trong đánh giá cán bộ công chức.

“Nếu coi chỉ số đánh giá là công cụ định hướng, dẫn dắt và phát triển đội ngũ, thì chúng ta sẽ có một nền công vụ trưởng thành, chuyên nghiệp và thực chất. Khi đó, chắc chắc chúng ta sẽ thu hút được người tài vào khu vực công”, bà Xuân nói.

Không thể chấp nhận công chức “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”

Về tuyển dụng công chức, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với các quy định nhằm bỏ tư duy “biên chế suốt đời” trong dự thảo luật.

“Đây là điểm rất mới. Trong thời gian qua, chúng ta đã nói nhiều lần mà chưa thực hiện được. Không thể chấp nhận chuyện công chức “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”, làm việc cầm chừng mà vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ được nữa”, đại biểu chỉ rõ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến về dự án Luật Cán bộ, công chức sửa đổi (Ảnh: Phạm Thắng).

Tới đây, công chức được đánh giá theo sản phẩm, KPI. Ngoài hình thức xét tuyển, đặc cách, đại biểu cho rằng nên ưu tiên thi tuyển công chức theo vị trí việc làm. Việc thi tuyển cần có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, rõ ràng.

Bên cạnh đó, ông Hòa cũng tâm đắc trước phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc đánh giá cán bộ, công chức sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng, theo chỉ số KPI thay cho đánh giá cảm tính, chung chung như hiện nay.

“Công chức làm gì, bao nhiêu sản phẩm đều cần lượng hóa. Trường hợp công chức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý có thể điều chuyển sang vị trí thấp hơn hoặc yêu cầu thôi việc khi 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ”, đại biểu nhấn mạnh về điểm mới của dự luật là “thay đổi tư duy cả nể” hiện nay.

(Theo Dân Trí)

TIN LIÊN QUAN
error: