Lộ trình áp dụng giá điện tính như cước điện thoại

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề xuất Bộ Công Thương về cơ chế và lộ trình áp dụng giá điện 2 thành phần.

Lộ trình thực hiện ra sao?

Theo đó, giá điện 2 thành phần sẽ bao gồm giá công suất và giá điện năng, tức là số tiền phải trả cho phần công suất đăng ký sử dụng và lượng điện năng tiêu thụ thực tế, thay vì chỉ tính theo lượng điện tiêu thụ thực tế như hiện nay.

Về lộ trình áp dụng giá điện 2 thành phần, EVN đề xuất qua hai giai đoạn là thử nghiệm và chuyển đổi (áp dụng chính thức thí điểm với khách hàng được lựa chọn).

Giai đoạn thử nghiệm là giai đoạn thử nghiệm trên dữ liệu thời gian thực với việc tiếp tục áp dụng biểu giá bán lẻ điện hiện hành để tính hóa đơn tiền điện đến hết năm 2024.

Kết quả tính toán tiền điện theo cơ chế giá 2 thành phần trong giai đoạn thử nghiệm tiếp tục dùng để so sánh, đánh giá, tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có những điều chỉnh phù hợp phục vụ mục tiêu hoàn thiện biểu giá sẵn sàng cho giai đoạn chuyển đổi áp dụng chính thức biểu giá điện 2 thành phần đối với nhóm khách hàng này.

Giá điện 2 thành phần sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch hơn. Ảnh: EVN

Giai đoạn đề xuất áp dụng chính thức giá 2 thành phần thí điểm cho khách hàng sản xuất bình thường trong tập khách hàng Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, dự kiến bắt đầu từ đầu năm 2025.

Theo đó, sau khi giai đoạn thử nghiệm kết thúc, quá trình hoàn thiện biểu giá 2 thành phần, chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý và các điều kiện liên quan khác, triển khai áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần thí điểm toàn bộ khách hàng sản xuất bình thường của Nghị định số 80, thay thế cho biểu giá điện hiện tại. Các nhóm khách hàng khác tiếp tục thực hiện biểu giá hiện hành.

Trong quá trình áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần cho nhóm khách hàng này, một mặt cần tiếp tục thực hiện việc vi chỉnh các cơ cấu biểu giá điện hiện hành (đặc biệt là các nhóm hộ sản xuất và kinh doanh) để từng bước giảm bớt sự khác biệt về giá, làm căn cứ mở rộng việc áp dụng giá điện 2 thành phần.

Việc mở rộng đối tượng khách hàng áp dụng giá điện 2 thành phần là cần thiết để tiến tới áp dụng cho phần lớn khách hàng ở các giai đoạn áp dụng chính thức tiếp theo.

Giá điện 2 thành phần sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch hơn

TS Nguyễn Minh Phong – nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Thành phố Hà Nội cho biết, cơ chế giá điện 2 thành phần cũng được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên, không ngừng nâng cao khả năng sử dụng tài sản cố định nhằm giảm giá thành sản xuất nâng cao hiệu quả chung của xã hội.

“Giá điện 2 thành phần sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch hơn, giảm việc bù chéo giữa các khách hàng. Đồng thời cũng tránh các khách hàng đăng ký công suất lớn rồi không dùng, điều này góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ”, TS Phong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong lưu ý, ngành điện, trước hết phải xây dựng một kịch bản theo lộ trình, dựa trên những phương án đưa ra và trên kết quả của quá trình thí điểm.

Trong quá trình thí điểm không làm đội giá điện của người dân, mà chỉ quan sát, sau đó sử dụng kết quả thí điểm đó để tính toán và đưa ra một phương án phù hợp. Đối tượng áp dụng thí điểm nên bắt đầu từ khu công nghiệp, từ hoạt động sản xuất, vì đây là những đơn vị tiêu thụ nhiều điện nhất và tạo ra sự lãng phí công suất nhất.

Giá điện không còn cào bằng

Với giá điện 2 thành phần, theo EVN, hóa đơn tiền điện mà người tiêu dùng phải thanh toán sẽ bao gồm chi phí trả cho công suất sử dụng (bản chất là chi phí cố định của quá trình cung ứng điện) và phần trả cho điện năng tiêu dùng (tức là phần chi phí biến đổi).

Cơ chế này buộc người sử dụng điện phải chú ý đến quá trình sử dụng điện, nâng cao hiệu quả sử dụng và thực hành tiết kiệm điện hiệu quả hơn.

Việc áp dụng phương án giá điện hai thành phần, theo đánh giá tại đề án, với các hộ ngoài sinh hoạt, mức chi phí sử dụng điện của các hộ sẽ khác nhau.

Hai hộ sử dụng điện cho ngoài sinh hoạt có cùng mức sản lượng 275.000kWh/năm nhưng chế độ sử dụng điện khác nhau. Nếu áp dụng biểu giá hiện hành, hai hộ này cùng trả một mức hóa đơn. Tuy nhiên nếu áp theo biểu giá hai thành phần, khi hộ có hệ số phụ tải lớn sẽ trả chi phí tiền điện ít hơn (do giảm được chi phí công suất).

Với hộ sinh hoạt, so sánh giữa hai hộ tiêu dùng có công suất sử dụng tháng khoảng 12kW (tương đương công suất đặt của các thiết bị là 23 – 24kW) và hộ tiêu dùng có công suất lớn hơn 15kW, hộ đầu tiên sẽ phải trả là 2.821 đồng/kWh còn hộ thứ hai là 3.046 đồng/kWh.

Trong khi nếu áp dụng biểu giá sáu bậc hiện hành, hai hộ trả cùng một mức giá điện bình quân là 3.046 đồng/kWh. 

(Theo Lao Động)

TIN LIÊN QUAN
error: