Giảng viên Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc – Quảng Ngãi bị nợ hàng tỉ đồng

Trường CĐ Việt Nam – Hàn Quốc – Quảng Ngãi nợ hàng tỉ đồng tiền dạy vượt giờ, tiền lương… của hàng chục giảng viên suốt nhiều năm qua.

Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc – Quảng Ngãi được khởi công xây dựng từ tháng 4.2014, tổng vốn đầu tư ODA 6,3 triệu USD. Ảnh: Viên Nguyễn

Nợ tiền dạy vượt giờ suốt 10 năm

Phản ánh thông tin đến phóng viên Báo Lao Động, một số giảng viên công tác tại Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc – Quảng Ngãi bức xúc chia sẻ: Suốt 10 năm qua, hàng chục giảng viên của nhà trường bị nợ tiền dạy vượt giờ, tiền phụ cấp, và mới đây còn bị nợ cả lương chính thức. Tổng số tiền nợ đã được xác nhận qua chứng từ chính thức là gần 2,8 tỉ đồng.

Năm 2022, tập thể giảng viên đã gửi đơn khiếu nại đến UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (cũ), Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc, Quảng Ngãi thanh toán tiền dạy vượt giờ trong các năm học 2015 – 2016, 2016 – 2017, 2017 – 2018 và 2020 – 2021, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Một giảng viên (xin được giấu tên) cho biết, dù có nhiều buổi đối thoại và gửi kiến nghị chính thức, giảng viên vẫn không nhận được văn bản trả lời cũng như kế hoạch thanh toán nợ cụ thể từ lãnh đạo nhà trường.

Càng bức xúc hơn khi các giảng viên công tác tại đơn vị khác đến thỉnh giảng lại được thanh toán đủ 285 triệu đồng, trong khi giảng viên cơ hữu công tác tại trường, giảng dạy chính khóa, quản lý sinh viên và chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo lại bị nợ tiền dạy vượt giờ gần 1 tỉ đồng.

Việc bị nợ tiền kéo dài nhiều năm khiến đời sống của giảng viên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn.

Trường “hụt hơi” trong bài toán tự chủ tài chính

Phóng viên Báo Lao Động đã trực tiếp làm việc với ông Võ Đình Tá – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc – Quảng Ngãi. Theo ông Võ Đình Tá, trường có 117 viên chức, người lao động. Mục tiêu mỗi năm tuyển sinh khoảng 950 học sinh, sinh viên, tuy nhiên tỉ lệ tuyển sinh thực tế chỉ đạt khoảng 80%.

Theo quy định, mỗi học sinh, sinh viên học tại trường phải đóng khoảng 18,5 triệu đồng/năm tiền học phí. Đối với các đối tượng được miễn giảm học phí, Nhà nước sẽ phân bổ lại kinh phí cho nhà trường.

Tháng 9.2015, Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc – Quảng Ngãi khai giảng khóa học đầu tiên. Ảnh: Viên Nguyễn

Theo ông Võ Đình Tá, từ năm 2023, theo chủ trương, trường phải tự chủ tài chính 100%. Trong giai đoạn 2015 đến 2018, trường nợ tiền vượt giờ của giảng viên khoảng 936 triệu đồng. Năm 2024, nợ tiền vượt giờ hơn 1,3 tỉ đồng.

Trung bình mỗi tháng, trường phải chi hơn 1,4 tỉ đồng để trả lương cho viên chức, người lao động. Hiện trường mới chỉ trả được 50% lương tháng 6.2025. Lương tháng 7.2025 và các khoản trợ cấp, điện thoại, công tác phí… vẫn chưa được thanh toán cho giảng viên, người lao động.

“Dự kiến trường sẽ chi trả các khoản nợ nêu trên cho cán bộ, viên chức và người lao động trong tháng 8.2025”, ông Võ Đình Tá cho hay.

Theo ông Tá, trường được giao tự chủ tài chính từ năm 2023. Phải sau 3 năm kể từ thời điểm đó, trường mới đánh giá toàn bộ quá trình hoạt động, sau đó mới có báo cáo và kiến nghị lên cấp trên. Ông cũng cho biết, sắp tới trường sẽ thực hiện tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy.

Theo các giảng viên nhà trường, với 117 viên chức, người lao động, số lượng giảng viên và nhân sự hành chính là tương đương nhau. Chính vì bộ máy cồng kềnh, trường không cân đối được kinh phí để chi trả tiền vượt giờ, lương… cho giảng viên.

Ông Võ Đình Tá cho biết hiện chưa nắm rõ số lượng cụ thể của đội ngũ giảng viên là bao nhiêu người và nhân sự hành chính tại trường là bao nhiêu người.

Liên quan đến việc các giảng viên thỉnh giảng từ đơn vị khác được thanh toán đầy đủ 285 triệu đồng, trong khi những giảng viên cơ hữu – trực tiếp giảng dạy chính khóa – lại bị nợ gần 1 tỉ đồng tiền dạy vượt giờ, ông Tá lý giải: do giảng viên thỉnh giảng đến từ nơi khác, số tiền nợ ít hơn nên nhà trường ưu tiên thanh toán trước. “Họ nhiều lần gọi điện đòi nợ và dọa sẽ kiện ra tòa nếu không được thanh toán, vì vậy chúng tôi buộc phải cố gắng trả cho họ đầy đủ” – ông Tá nói.

Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc – Quảng Ngãi được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (cũ) quyết định thành lập theo Quyết định số 1963/QĐ-LĐTBXH ngày 20.12.2013. Đây là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hoạt động theo mô hình trường cao đẳng nghề công lập, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi.

VIÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/giang-vien-truong-cao-dang-viet-nam-han-quoc-quang-ngai-bi-no-hang-ti-dong-1546526.ldo

TIN LIÊN QUAN
error: