Đêm nay, Việt Nam đón cực đại ‘mưa cầu lửa’
Nam Taurids là một trận mưa sao băng, nhưng sao băng của nó lớn và sáng bất thường như những quả cầu lửa, đồng thời bay rất chậm.
Trong tháng 11 này sẽ có 2 trận mưa sao băng phát ra từ phía chòm sao Kim Ngưu (tên Latin là Taurus). Và chúng là đều là “mưa cầu lửa” chứ không phải mưa sao băng bình thường.
Một quả cầu lửa từ mưa sao băng Taurids – Ảnh: EARTHSKY
Theo NASA, mưa sao băng này sẽ đạt cực đại trong ngày 5-11. Đối với múi giờ tại Việt Nam, đêm đẹp nhất sẽ rơi vào tối 4-11, rạng sáng 5-11.
Theo tờ Space.com, vào năm 2024, điều kiện quan sát Nam Taurids sẽ thuận lợi, với Mặt Trăng chỉ đạt độ sáng khoảng 15% trong thời gian mưa sao băng đạt cực đại.
Tuy nhiên, mưa sao băng Bắc Taurids – đạt cực đại đêm 11, rạng sáng 12-11 nếu quan sát từ Việt Nam – có thể bị ảnh hưởng bởi độ sáng 84% của mặt trăng, che khuất một số ngôi sao băng mờ nhất.
Bản đồ điểm phát ra mưa sao băng Bắc Taurids (Northern Taurids) và Nam Taurids (Southern Taurids) – Ảnh đồ họa: NASA
Cả hai trận mưa sao băng này sẽ chỉ giải phóng một số lượng khiêm tốn sao băng mỗi giờ. Nhưng nó vẫn sẽ rất rực rỡ bởi sao băng của cả hai trận đều to và sáng hơn tất cả các trận mưa sao băng khác.
“Taurids rất giàu cầu lửa, vì vậy nếu bạn nhìn thấy Taurid, nó có thể rất sáng và sẽ làm bạn hoa mắt, dù tốc độ của chúng thực sự tệ” – chuyên gia thiên thạch của NASA Bill Cooke cho biết.
Đó cũng là lý do các ngôi sao băng của Nam Taurids hay được gọi là “cầu lửa Halloween”. Trận mưa sao băng này đã bắt đầu rơi trước thời điểm cực đại vài ngày, tức cuối tháng 10.
Sao băng Taurids là những thiên thạch lớn hơn thiên thạch tạo nên các trận mưa sao băng khác nên có thể tồn tại trong thời gian dài hơn khi chúng đi qua bầu khí quyển của Trái Đất.
NASA đưa ra ví dụ về sao băng Orionids, thường cháy hết ở độ cao khoảng 93 km, trong khi Taurids thường rơi tới độ cao tới 66 km.
Các ngôi sao băng của Taurids cũng bay với tốc độ khoảng 27 km/giây; trong khi sao băng Perseids lướt với tốc độ 59 km/giây.
Tuy phát ra từ chòm sao Kim Ngưu, nhưng “thủ phạm” gây ra các quả cầu lửa Taurids là sao chổi khổng lồ Encke, có nhân sao chổi khoảng 4,8 m.
Anh Thư (Theo Người Lao Động)