Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư và Tổng thống Hoa Kỳ

Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho thấy sự khởi đầu khá thuận cho đàm phán tới đây.

Cuộc điện đàm đặc biệt

“Tôi vừa có cuộc gọi rất hiệu quả với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Ông ấy nói với tôi rằng Việt Nam muốn cắt giảm thuế quan xuống mức không nếu họ có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ. Tôi đã thay mặt nước Mỹ cảm ơn ông ấy và nói rằng tôi mong muốn có một cuộc gặp trong tương lai gần”.

Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump, viết trên mạng xã hội Truth Social tối hôm qua.

Trong khi đó, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước nhằm cụ thể hóa những cam kết trên.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm trân trọng mời Tổng thống Donald Trump và Phu nhân sớm thăm lại Việt Nam. Tổng thống Donald Trump vui vẻ nhận lời và bày tỏ mong muốn sớm gặp lại Tổng Bí thư Tô Lâm. Tổng thống Donald Trump trân trọng nhờ Tổng Bí thư Tô Lâm chuyển lời thăm hỏi thân tình tới các lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN

Những ngôn từ “rất hiệu quả”, “đưa mức thuế về 0%” từ hai phía cho thấy cả hai nhà lãnh đạo đã tìm được tiếng nói chung vì lợi ích của mỗi bên. Status của ông Trump về Việt Nam là khá tích cực so với các status trước của ông về các đối tác khác.

Tin tức này đã góp phần xoa dịu tâm trạng khá căng thẳng trên thị trường trong mấy ngày vừa qua, sau khi Hoa Kỳ công bố áp dụng thuế nhập khẩu 46% vào hàng hóa Việt Nam, bên cạnh việc nâng thuế với khoảng 60 quốc gia khác.

Theo CNBC, ngay sau khi có thông tin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt – Mỹ, cổ phiếu Nike đã tăng hơn 5%. Nike sản xuất khoảng 25% số giày dép của mình tại Việt Nam. Cổ phiếu của công ty đã giảm mạnh trong phiên giao dịch 3/4 sau khi ông Trump công bố mức thuế mới đối với hàng loạt nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Cổ phiếu các doanh nghiệp bán hàng “Made in Vietnam” khác cũng đều tăng. Cổ phiếu On Holding AG và Skechers USA Inc. tăng trên 6%. Cổ phiếu Lululemon Athletica tăng 3,9%. Riêng cổ phiếu Wayfair Inc., vốn có lúc bị tạm dừng giao dịch vì biến động quá lớn, đã quay đầu tăng tới 6,4% sau khi giảm 19%.

Thuế chỉ là một cái chốt

Nhiều người băn khoăn về mức thuế suất 90% mà Việt Nam đang áp tới hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, như Tổng thống Trump từng đề cập.

Xin trích nguồn từ Báo cáo Ước tính Thương mại Quốc gia năm 2025 về Rào cản thương mại nước ngoài của Tổng thống Hoa Kỳ trong khuôn khổ Chương trình Thỏa thuận Thương mại: Mức thuế suất trung bình MFN của Việt Nam là 9,4% vào năm 2023 (dữ liệu mới nhất có sẵn).

Như vậy, mức thuế suất của Việt Nam trong tài liệu của Hoa Kỳ là 9,4%, giống như phía Việt Nam công bố.

Tuy nhiên, trong báo cáo trên, phía Hoa Kỳ băn khoăn một số điểm về thuế.

Mức thuế suất trung bình MFN được áp dụng là 17,1% đối với sản phẩm nông nghiệp và 8,1% đối với sản phẩm phi nông nghiệp vào năm 2023. Việt Nam đã cam kết ràng buộc 100% các dòng thuế trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với mức thuế ràng buộc trung bình là 11,7%. Việt Nam cũng duy trì các chế độ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với muối, trứng và đường.

Mặc dù phần lớn hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam phải chịu mức thuế 15% hoặc thấp hơn, nhưng các sản phẩm thực phẩm và nông sản tiêu dùng vẫn phải đối mặt với mức thuế cao hơn.

Năm 2016, Luật số 106/2016/QH13 của Việt Nam đã tăng cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn nhập khẩu từ giá nhập khẩu lên giá bán do nhà nhập khẩu nhận được, từ đó làm tăng đáng kể gánh nặng thuế đối với nhà nhập khẩu so với các nhà sản xuất trong nước.

Tới đây, khi hai quốc gia trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương nhằm cụ thể hóa những cam kết trên như hai nhà lãnh đạo cam kết, thì đây là một bước nâng cấp sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư vào tháng 6 năm 2007. Hiệp định này là cơ chế chính để thảo luận các vấn đề thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trước đó, Hiệp định Thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có hiệu lực vào ngày 10 tháng 12 năm 2001.

Nhiều chuyên gia băn khoăn liệu giảm thuế cho Hoa Kỳ có vi phạm nguyên tắc MFN trong WTO (giảm chung cho các đối tác). Lo lắng này có lẽ không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi nhiều quốc gia và khối đang đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ trong bối cảnh các cam kết về thuế trong WTO cũng bị vi phạm.

Còn các chốt khác lớn hơn

Thuế có thể chỉ là một nút thắt vừa phải nếu so với nút thắt chính là con số thâm hụt 123 tỷ đô la. Nói rộng ra, là lợi ích quốc gia.

Có nhiều vấn đề cần xử lý để bù đắp lại.

Đầu tiên là trong lĩnh vực đầu tư, trong đó vốn FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam mới chỉ có 12 tỷ USD sau mấy chục năm ký BTA.

Liệu đã đến lúc Việt Nam cân nhắc nới tiếp các ngành nghề đang còn hạn chế tiếp cận thị trường như hàng không, máy bay, giải trí, xuất bản phẩm, vận tải, điện ảnh, quảng cáo, logistics, sân bay – cảng biển, casino, khai khoáng, viễn thông, lâm nghiệp, xuất bản, đo đạc và bản đồ, giáo dục, điện gió ngoài khơi, bất động sản… Đây là các lĩnh vực thế mạnh của các nhà đầu tư Hoa Kỳ, được nêu trong Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Thứ hai là mua sắm công và đầu tư công. Mua sắm công là giải pháp nhanh chóng để có thể cải thiện cán cân thương mại. Giải pháp này khá chủ động vì Việt Nam có quyền dùng tiền của mình mà ít có cam kết nào ràng buộc.

Thứ ba, với yêu cầu về thao túng tiền tệ, có lẽ đến lúc cần cân nhắc nâng giá trị đồng nội tệ VND lên bằng các biện pháp như tăng lãi suất, bán ngoại hối và các biện pháp khác.

Tuy vậy, sau tất cả, câu hỏi đặt ra là: mức thuế 46% sẽ có xu hướng như thế nào tới đây? Mức thuế nào là có thể chịu đựng được trong tương quan với các đối thủ khác?

Mặc dù vậy, cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho thấy sự khởi đầu khá thuận cho đàm phán tới đây.

Theo Tư Giang (VietNamNet)

TIN LIÊN QUAN