Công bố nguyên nhân sốc khiến máy bay Jeju Air bốc cháy làm 179 người thiệt mạng: Khác với các suy đoán ban đầu
7 tháng sau thảm kịch, nguyên nhân tai nạn đã được công bố. Tuy nhiên, gia đình các nạn nhân đang phản đối gay gắt báo cáo này.
Ủy ban điều tra tai nạn hàng không và đường sắt Hàn Quốc (ARAIB) kết luận trong báo cáo tạm thời rằng vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air tại Sân bay quốc tế Muan vào tháng 12 năm ngoái, khiến 179 người thiệt mạng là do phi công tắt nhầm động cơ. Chỉ có 2 tiếp viên ngồi ở cuối máy bay sống sót.
ARAIB đã trình bày những phát hiện này cho gia đình các nạn nhân trong cuộc họp báo tại Sân bay Muan vào ngày 19 tháng 7. Hai động cơ của máy bay đã được gửi đến Pháp vào tháng 3 để phân tích chi tiết và các nhà điều tra giải thích rằng việc tắt động cơ bên trái đang hoạt động đã khiến toàn bộ nguồn điện chính của máy bay bị mất.
Hội đồng đã lên kế hoạch công bố kết quả điều tra cho báo chí ngay sau cuộc họp báo với gia đình, nhưng đã hủy bỏ thông báo do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía gia đình. Một thành viên gia đình nói với tờ Chosun Ilbo: “Hội đồng đang bỏ qua những vấn đề như độ dốc bê tông ở cuối đường băng và các lỗi kỹ thuật có thể xảy ra, mà chỉ đổ lỗi cho phi công, điều mà chúng tôi không thể chấp nhận.”
Hình ảnh vụ tai nạn cuối năm ngoái
Theo báo cáo được chia sẻ với gia đình, phi công lẽ ra phải tắt động cơ bên phải, vốn bị hư hỏng nặng do va chạm với chim, nhưng thay vào đó lại tắt động cơ bên trái vẫn đang hoạt động. Kết quả là cả hai động cơ đều mất điện và càng hạ cánh không hoạt động bình thường. Bản ghi âm giọng nói trong buồng lái ghi lại cảnh phi công nói “tắt động cơ số hai”, ám chỉ động cơ bên phải, nhưng dữ liệu chuyến bay cho thấy động cơ số một bên trái đã tắt. Điều này cho thấy phi công có thể đã nhầm lẫn giữa hai động cơ khi đang chịu áp lực.
Nhóm điều tra xác nhận động cơ bên trái không có lỗi. ARAIB phát hiện hệ thống điều khiển điện tử của động cơ hoạt động bình thường, kết luận rằng việc tắt máy là do thao tác thủ công chứ không phải do lỗi hệ thống.
Báo cáo không nhắc đến thiết kế bê tông cuối đường băng gây tranh cãi
Nguyên nhân trực tiếp được xác nhận cho đến nay của vụ tai nạn là do va chạm với một đàn vịt trời trong quá trình máy bay tiếp cận đường băng. Lúc 8:57 sáng ngày 29 tháng 12 năm ngoái, kiểm soát không lưu sân bay Muan đã cảnh báo chuyến bay về hoạt động của chim. Một phút sau, lúc 8:58 sáng, phi công báo cáo về một vụ va chạm với chim, phát tín hiệu cấp cứu và thông báo hủy hạ cánh. Đoạn video sau đó cho thấy ngọn lửa bùng phát từ động cơ bên phải sau khi nó “nuốt chửng” đàn vịt trời. Trong quá trình điều tra, lông và dấu vết máu của vịt trời đã được tìm thấy trong cả hai động cơ.
Những diễn giải ban đầu cho rằng cú va chạm với chim đã làm hỏng cả hai động cơ, dẫn đến sự cố điện và thủy lực khiến càng hạ cánh không thể bung ra và buộc phi công phải hạ cánh khẩn cấp bằng bụng. Tuy nhiên, những phát hiện mới nhất cho thấy động cơ bên trái bị hỏng là do lỗi của phi công chứ không phải do va chạm với chim.
Kết quả điều tra cho thấy phi công đã kéo công tắc ngắt nhiên liệu ở động cơ bên trái thay vì động cơ bên phải trong quá trình xử lý khẩn cấp. Phi công cũng kích hoạt bình chữa cháy cho động cơ bên trái, khiến động cơ này không thể khởi động lại trong khi bay. Do động cơ bên phải đã bị hư hỏng và không còn khả năng hoạt động, việc tắt động cơ bên trái đã khiến động cơ mất hoàn toàn công suất.
Những sai sót nghiêm trọng như vậy, tuy hiếm, đã từng xảy ra trong quá khứ. Năm 2015, chuyến bay 235 của hãng hàng không TransAsia Airways đã gặp nạn ngay sau khi cất cánh từ Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) khi phi công tắt nhầm động cơ, khiến 43 trong số 58 người trên máy bay thiệt mạng.
ARAIB cũng xác nhận cần gạt càng hạ cánh chưa được kích hoạt, cho thấy phi công không hề cố gắng bung bánh. Cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục điều tra về quá trình đào tạo và chuẩn bị ứng phó khẩn cấp của phi công.
Gia đình các nạn nhân phản đối
Tuy nhiên, gia đình các nạn nhân đã chỉ trích mạnh mẽ những phát hiện này, cho rằng hội đồng đang đổ lỗi hoàn toàn cho các phi công. Họ lập luận rằng báo cáo đã không đề cập đến phần kè bê tông ở cuối đường băng, điều mà họ tin là đã làm trầm trọng thêm hậu quả của vụ tai nạn.
Vào ngày 20 tháng 7, công đoàn phi công Jeju Air cũng ra tuyên bố cáo buộc ARAIB chỉ tập trung vào lỗi của phi công. Những người chỉ trích cho rằng kết quả điều tra này về cơ bản đã miễn trách nhiệm cho Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Vận tải và Tổng công ty Sân bay Hàn Quốc, cả hai hiện đang bị cảnh sát điều tra về vụ tai nạn.
Nguồn: Chosun