Có thể thu giữ tài khoản Youtube, Tiktok của Quang Linh, Hằng Du mục không?
Theo luật sư, nếu tài khoản của Quang Linh, Hằng Du mục được sử dụng để livestream, quảng cáo thông tin gian dối, sai sự thật, đây là phương tiện phạm tội và có thể bị tịch thu hoặc thậm chí tiêu hủy.
Như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs), Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du mục) cùng 3 bị can khác về các tội Sản xuất hàng giả và Lừa dối khách hàng, liên quan tới hành vi sản xuất, quảng cáo và phân phối sản phẩm Thực phẩm bổ sung Kera SuperGreens Gummies (tức kẹo rau củ Kera) trên thị trường.
Trong đó, Linh và Hằng là thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, trực tiếp livestream để quảng cáo, bán sản phẩm kẹo rau củ Kera trên các nền tảng mạng xã hội.
Từ sự việc trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi về việc các tài khoản mạng xã hội của Linh và Hằng được sử dụng để phát livestream có phải phương tiện phạm tội không? Công an có được quyền đóng, thu giữ những tài khoản này để phục vụ điều tra hay không?
Bắt tạm giam Quang Linh Vlogs (Ảnh: VTV).
Các tài khoản Youtube, Tiktok có phải phương tiện phạm tội?
Bình luận sự việc, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo khoản 7, Điều 2 Luật An ninh mạng 2018, tội phạm mạng được quy định là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức.
Còn theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Luật này, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng không gian mạng để thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác.
Đối chiếu các quy định trên, hành vi quảng cáo, thông tin sai sự thật về sản phẩm của Quang Linh thông qua các phiên livestream là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người. Quá trình điều tra, bên cạnh việc làm rõ ý chí, động cơ và mục đích của người này khi thực hiện hành vi, công an cũng sẽ làm rõ phương thức thực hiện hành vi của Quang Linh ra sao, thông qua các tài khoản mạng xã hội nào.
Pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể về khái niệm “phương tiện phạm tội”, song trên thực tế, có thể hiểu phương tiện phạm tội là những công cụ, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Đối với tội phạm trên không gian mạng, các tài khoản mạng xã hội, tài khoản hệ thống nếu được sử dụng để quảng cáo gian dối, thông tin sai sự thật, lôi kéo người dùng mua sản phẩm không đúng chất lượng… và gây thiệt hại tới quyền lợi của người khác thì được coi là phương tiện phạm tội.
Quang Linh Vlogs tại một phiên livestream giới thiệu sản phẩm kẹo rau củ Kera (Ảnh: Y.T).
Cũng theo dõi vụ việc, luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá hiện pháp luật chưa có khái niệm cụ thể về thuật ngữ “phương tiện phạm tội”, song có thể hiểu đơn giản rằng phương tiện phạm tội là công cụ được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
“Ví dụ đối với các tội danh như Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử chính là phương tiện thực hiện hành vi phạm tội.
Do đó, với trường hợp của Quang Linh, cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ những tài khoản mạng xã hội nào đã được người này sử dụng để thực hiện livestream, quảng cáo, tuyên truyền những thông tin gian dối, sai sự thật. Trong trường hợp Quang Linh bị kết tội, những tài khoản này sẽ được coi là phương tiện phạm tội trong vụ án”, luật sư Tuấn phân tích.
Công an có được thu giữ các tài khoản của Quang Linh, Hằng Du mục không?
Bình luận về việc xử lý phương tiện phạm tội, luật sư Tuấn cho biết theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, phương tiện phạm tội là một trong các vật chứng trong vụ án hình sự. Về nguyên tắc xử lý vật chứng, theo Điều 106 Bộ luật này, đối với các vật chứng là phương tiện phạm tội thì có thể bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy.
Như vậy, đối với các tài khoản của Quang Linh và Hằng Du mục, nếu có căn cứ cho thấy các tài khoản này là phương tiện phạm tội, cơ quan điều tra có quyền tịch thu tài khoản để phục vụ hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Quang Linh Vlogs (Ảnh: FBNV).
Còn theo luật sư Trần Minh Hùng, các kênh, tài khoản của Quang Linh và Hằng Du mục sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Đồng thời, căn cứ Điều 192 Bộ luật này, công an được quyền khám xét, xem xét nội dung dữ liệu điện tử trong các tài khoản để phục vụ hoạt động điều tra.
“Theo quy định, công an được quyền can thiệp vào tài khoản khi người sử dụng dùng tài khoản đó để quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng (lừa đảo, trục lợi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng…), xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân hay vi phạm pháp luật hình sự. Khi đó, cơ quan điều tra có thể tạm giữ hoặc đề xuất thu hồi, tịch thu tài khoản như một tang vật, phương tiện gây án nhằm điều tra vụ án”, luật sư Hùng phân tích.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc “tịch thu tài khoản” còn phải phụ thuộc vào chính sách của các nền tảng mạng xã hội bởi đây là tài sản thuộc sở hữu của công ty nước ngoài. Theo đó, cơ quan chức năng thường gửi yêu cầu hợp tác đến các tổ chức đó để xử lý hoặc có thể đưa ra yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin hoặc hợp tác trong việc điều tra các hành vi phạm tội liên quan đến tài khoản đó.
Do đó, nếu tài khoản của Quang Linh Vlogs chỉ bị đóng vì vi phạm chính sách của YouTube (như vi phạm bản quyền, đăng tải nội dung vi phạm cộng đồng), thì đây không phải là vấn đề phạm tội và công an sẽ không có quyền tịch thu tài khoản đó.
(Theo Dân Trí)