Chưa bao giờ nhà ở xã hội giá rẻ như hiện nay!
Giá nhà ở xã hội hiện chỉ bằng 50% so với nhà ở thương mại. Mỗi tháng tiết kiệm từ 5-7 triệu đồng là có thể có căn nhà mơ ước.
Ngày 17-11, trong khuôn khổ sự kiện “Vì 1 triệu mái ấm gia đình Việt”, đã diễn ra tọa đàm “Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực”.
Tham gia ý kiến tại tọa đàm, ông Huỳnh Vũ Quốc Phương, Chuyên viên Cao cấp Vụ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ, khẳng định Chính phủ rất quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội.
Các Quyết định 338 của Chính phủ đã nói rõ về mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Nhiều cơ chế, chính sách được triển khai, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tham gia cũng như tăng cường khả năng tiếp cận của công nhân, người lao động.
Các diễn giả tham gia tọa đàm
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND Tỉnh Tây Ninh, cho hay Chính phủ đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho chủ đầu tư tham gia nhà ở xã hội; nhiều địa phương cũng đã và đang triển khai các dự án.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, cần có chính sách về mua bán, cho thuê, thuê mua, vì công nhân, lao động thường di chuyển nơi làm việc, khi đó họ phải sang nhượng để thuận tiện cho công việc. Việc cho phép sang ngượng mới tối ưu hóa sản phẩm nhà ở cho người thu nhập thấp …
Tiến sĩ Trương Anh Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, nhìn nhận chưa bao giờ cơ chế chính sách của nhà nước mở và thoáng với nhà ở xã hội như hiện nay. Về cơ chế thì từ Luật đến Nghị định, Nghị quyết đã tạo điều kiện cho chủ đầu tư, người mua rất nhiều.
Lãi suất cho vay nhà thương mại hiện 6,6% nhưng so với lạm phát thì cũng không cao. Còn chủ đầu tư thì bị khống chế mức lợi nhuận chỉ 10%, vì vậy giá bán rất tốt.
Theo ông Tuấn, nếu cùng một vị trí, chất lượng xây dựng thì giá nhà ở xã hội hiện chỉ 50% so nhà ở thương mại. Chưa bao giờ nhà ở xã hội giá rẻ như hiện nay, mỗi tháng tiết kiệm từ 5-7 triệu đồng là có thể có căn nhà mơ ước.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng 5 yếu tố quan trọng để phát triển nhà ở xã hội thành công là quỹ đất, thủ tục, vốn, cơ chế và đầu ra. Hiện nay cơ chế đã mở, quy trình thủ tục cắt giảm mạnh, không còn chồng chéo như trước. Vốn cũng đã được nhà nước vào cuộc với gói 140.000 tỉ đồng và nhiều ngân hàng tham gia.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng để mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sớm hoàn thành thì cần có sự chung tay góp sức của 4 nhà. Trong đó, nhà nước cần sớm trong việc hoàn thiện quy hoạch quỹ đất, hạ tầng. Các địa phương phải xác định nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân là bao nhiêu để kêu gọi chủ đầu tư tham gia.
Đối với ngân hàng, phải tích cực hỗ trợ chủ đầu tư, người mua tiếp cận vốn, lãi suất ưu đãi. Còn nhà đầu tư, phải chủ động cùng địa phương khảo sát nhu cầu khách và triển khai nhanh chóng, bàn giao nhà tốt, bảo trì, bảo hành cho người mua…
Theo ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Tây Ninh, tỉnh đã thống nhất chỉ đạo các cấp triển khai để xác định các đối tượng, chỉ cần đúng, đủ để ngân hàng giải ngân. Đến nay, Tây Ninh chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội của Hoàng Quân làm chủ đầu tư với 48 khách vay, giá trị vay rất thấp. Nguồn vốn cũng còn thiếu nên Ngân hàng Chính sách xã hội Tây Ninh sẽ kiến nghị tỉnh trích từ nguồn vốn ủy thác tại địa phương để cho vay nhà ở xã hội.
(Theo Người Lao Động)
https://nld.com.vn/chua-bao-gio-nha-o-xa-hoi-gia-re-nhu-hien-nay-19624111714453315.htm