Cảnh giác thủ đoạn đánh tráo vàng thật thành vàng giả, lừa đảo hàng loạt hiệu vàng
Những ngày qua giá vàng liên tục tăng. Lợi dụng giá vàng biến động, nhu cầu mua vàng ngày một tăng, thời gian gần đây xuất hiện những đối tượng lợi dụng khâu kiểm tra mất cảnh giác của các chủ cơ sở kinh doanh vàng, đã đem vàng giả đến bán hoặc cầm cố tại các cửa hàng…
“Vàng thau lẫn lộn”
Mới đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận vừa tạm giữ hình sự Trương Thị Ngọc Thưởng (SN 1980, trú tại Ninh Phước, Ninh Thuận) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận do thấy các tiệm vàng chỉ kiểm tra vàng thật – giả tại các đầu móc khóa của sợi dây chuyền khi có khách hàng mang đến cầm cố, nên Thưởng đã lên mạng xã hội đặt mua dây chuyền vàng giả, sau đó nhờ gia công, thay thế chốt khóa bằng vàng thật, rồi mang đi cầm cố.
Với thủ đoạn này, đối tượng đã lừa đảo 16 hiệu vàng, 4 hiệu cầm đồ, chiếm đoạt 229 triệu đồng từ 20 sợi dây chuyền giả. Lần thứ 21 thực hiện, Thưởng mới bị phát hiện, bắt giữ.
Đối tượng Trương Thị Ngọc Thưởng cùng số vàng giả tang vật của vụ án
Một vụ án lừa đảo bán vàng giả với thủ đoạn tinh vi khác xảy ra tại Hà Nội. Ngày 20-3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa vụ án lừa đảo bán vàng giả do đối tượng Phạm Mạnh Giỏi (sinh năm 1986, ở huyện Ân Thi, Hưng Yên) cầm đầu ra xét xử.
Theo cáo trạng, trước đây, Phạm Mạnh Giỏi làm nghề chế tác kim hoàn tại nhà nhưng nghỉ từ năm 2019. Khoảng tháng 5-2023, do không có tiền chi tiêu cá nhân, Giỏi nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cửa hàng kinh doanh vàng.
Giỏi đưa tiền cho một đối tượng đi mua dây chuyền vàng 9999 có khối lượng 10 chỉ. Sau 4-5 ngày, các đối tượng mang dây chuyền này quay lại cầm cố để tạo lòng tin với cửa hàng. Vài ngày sau, Giỏi đưa tiền cho đồng phạm đi chuộc lại dây chuyền mang về cho mình.
Phạm Mạnh Giỏi cùng đồng phạm tại phiên tòa
Do đã làm nghề chế tác kim hoàn, Giỏi làm giả sợi dây chuyền bằng cách chế tác các mắt xích dây chuyền bằng bạc, dùng vàng mạ một lớp mỏng bên ngoài; cắt hai đầu móc khóa sợi dây chuyền vàng thật có ký hiệu của cửa hàng để gắn vào hai đầu dây chuyền giả. Tiếp đến, Giỏi giao các đối tượng nêu trên đem sợi dây chuyền giả đến chính cửa hàng đã mua để tiếp tục cầm cố, hoặc bán lại nhằm chiếm đoạt tiền của cửa hàng.
Cơ quan tố tụng xác định, bằng thủ đoạn trên, nhóm Giỏi thực hiện 10 vụ lừa đảo và chiếm đoạt tổng cộng 527 triệu đồng của 8 cửa hàng vàng ở Hà Nội, Bắc Giang.
Đừng để “vàng mắt”
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đỗ Huy Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Huy Thành (Huy Thanh Jewelry) cho biết, hiện nay trên thị trường hiện nay, vàng được phân chia thành 2 loại dựa trên mục đích sử dụng: Vàng trang sức và vàng 24K tích lũy.
Vàng trang sức phục vụ nhu cầu làm đẹp, đeo hàng ngày, thường là vàng 10K, 14K, 18K (tức là kết hợp vàng 24K với các kim loại khác để tăng độ cứng, độ sáng bóng). Vàng 24K tích lũy: Dùng để tích trữ, đầu tư thay cho việc giữ tiền mặt, Gần như nguyên chất (99.99%). Về độ bền, vàng trang sức cứng hơn, khó móp méo do có kết hợp kim loại khác ngoài vàng. Còn Vàng 24K mềm, dễ biến dạng, không thích hợp để đeo thường xuyên. Xét về mặt giá trị,vàng trang sức có giá trị sáng tạo thiết kế, công nghệ chế tác hiện đại nhằm tạo ra họa tiết tinh xảo, có tính thẩm mỹ, tính thời trang cao và giá bán niêm yết theo món. Vàng 24K có giá bán theo giá vàng thị trường tại thời điểm giao dịch.
Từ những vụ án lừa đảo đánh tráo tinh vi để bán vàng giả trong thời gian gần đây, theo ông Đỗ Huy Thànhcho rằng, người tiêu dùng cần đặc biệt cẩn trọng vì các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng hình thức tương đồng bề ngoài của các sản phẩm mạ vàng, vàng giả để trục lợi. “Đây là các sản phẩm không phải vàng thật, hoặc có lớp mạ bên ngoài bằng vàng hoặc giống vàng, chủ yếu phục vụ mục đích trưng bày, thời trang giá rẻ, nhưng rất dễ gây nhầm lẫn nếu không kiểm tra kỹ”, ông Đỗ Huy Thành cho hay.
Có nhiều cách để phân biệt vàng thật – vàng giả
Tuy nhiên, bằng mắt thường có thể nhận diện được vàng thật – vàng giả ở mức tương đối, nhưng không hoàn toàn chính xác. “Khi quan sát bằng mắt, vàng thật có màu sắc đều, sáng bóng tự nhiên, không loang lổ, có khắc ký hiệu rõ nét như: 24K, 18K, 999, 750… và bề mặt mịn, không bong tróc, không có vết hàn lộ liễu.
Vàng giả thường có màu quá sặc sỡ hoặc vàng chói bất thường, không có ký hiệu hoặc ký hiệu mờ, lệch, bị bong tróc lớp ngoài, thấy kim loại khác bên dưới, có dấu hiệu rỉ sét, đen, xỉn màu sau thời gian sử dụng.
Ngoài ra, còn một số “mẹo” phân biệt khác như dùng nam châm: Vàng thật không bị hút bởi nam châm. Nếu bị hút có thể là vàng giả pha kim loại. Hoặc có thể thử với nước hoặc giấm: Vàng thật không bị oxi hóa hay đổi màu trong nước hoặc giấm. Vàng giả có thể xỉn màu, rỉ sét sau một thời gian. Một cách khác nữa là hơ lửa hoặc dùng máy test nhiệt: Vàng thật không đổi màu, không bị cháy xém. Vàng giả có thể bị chảy, đổi màu hoặc có mùi khét.
“Việc nhận biết vàng thật – vàng giả hay phân biệt các loại vàng bằng mắt thường hay các phương pháp “mẹo” dân gian chỉ mang tính chất tương đối. Để kiểm tra chính xác nhất chất lượng sản phẩm vàng, người tiêu dùng nên mang sản phẩm đến các thương hiệu lớn được cấp phép chế tác và kinh doanh vàng, các cơ sở lớn, uy tín thường có các loại máy chuyên dụng để kiểm tra vàng. Tại Huy Thanh Jewelry cơ sở 63 Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội sử dụng thiết bị phân tích quang phổ huỳnh quang tia X với đội ngũ kỹ thuật được đào tạo bài bản để kiểm định vàng”, ông Đỗ Huy Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đỗ Huy Thành, vụ việc vừa qua là một bài học cảnh tỉnh không chỉ với các tiệm vàng, mà cả người tiêu dùng. Đối tượng đã rất tinh vi khi thay chốt khóa bằng vàng thật, khiến việc kiểm tra qua loa dễ dàng bị qua mặt. Do vậy, người tiêu dùng nên mua vàng tại các thương hiệu lớn, có uy tín, được nhà nước cấp phép chế tác và kinh doanh vàng, đồng thời có chính sách bán – thu mua rõ ràng, minh bạch. Sau khi mua, hãy yêu cầu cửa hàng cung cấp hóa đơn, giấy đảm bảo vàng, phiếu bảo hành nếu có.
“Với các cơ sở kinh doanh vàng bạc, cần kiểm tra toàn bộ sản phẩm, đặc biệt là các phần dễ bị đánh tráo như lõi dây, mặt dây, ổ đá, không chỉ phần móc khóa. Ngoài ra, cần đầu tư máy móc đo lường chuyên dụng, không nên chỉ dựa vào kinh nghiệm thủ công và cập nhật kiến thức, thủ đoạn lừa đảo mới thường xuyên để nâng cao cảnh giác”, Tổng giám đốc Huy Thanh Jewelry khuyến cáo.
Yến Quỳnh
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/canh-giac-thu-doan-danh-trao-vang-that-thanh-vang-gia-lua-dao-hang-loat-hieu-vang-post608842.antd