Bị sa thải sẽ không được trợ cấp thất nghiệp
Nhiều đại biểu lo ngại người lao động sẽ chịu thiệt thòi trước đề xuất của Chính phủ về việc không cho hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với trường hợp bị sa thải hoặc kỷ luật buộc thôi việc.
Ngày 27.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Việc làm (sửa đổi). Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất bổ sung một trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đó là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.
Đề xuất trên nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu khi cho rằng quy định như vậy khiến người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc sẽ rơi vào tình cảnh “khó càng thêm khó”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp. ẢNH: GIA HÂN
“Tiền đã đóng mà không được hưởng, như vậy là bất hợp lý”
Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói quy định như dự thảo là bất công với người lao động thuộc diện bị sa thải hoặc bị kỷ luật vì vi phạm pháp luật. “Người ta đã đóng bảo hiểm xã hội, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, tiền người ta đã đóng rồi mà bây giờ không cho hưởng. Như vậy là bất hợp lý”, ông Hòa nêu quan điểm.
Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp nhận định, nếu không cho hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh không có việc làm. Ông đề nghị dự thảo luật cần quy định theo nguyên tắc có đóng có hưởng, dù người lao động có vi phạm gì đi nữa thì vẫn phải được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) dẫn thực tế người lao động bị sa thải sẽ rất khó tìm công việc mới, vì người sử dụng lao động thường có tâm lý xem việc sa thải như là lý lịch không tốt để từ chối nhận vào làm việc.
Để bảo đảm quyền lợi cho nhóm này, nữ đại biểu đề nghị xây dựng luật theo hướng họ vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp kể cả khi bị sa thải hay buộc thôi việc. Đồng thời cần có cơ chế kiểm soát nhằm tránh tình trạng phân biệt trong tuyển dụng lao động đối với người lao động đã bị sa thải hoặc buộc thôi việc.
Đáng chú ý, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đặt giả thiết sau khi bị sa thải hoặc buộc thôi việc, người lao động chứng minh và có kết luận của cơ quan thẩm quyền cho thấy quyết định sa thải hoặc buộc thôi việc là trái pháp luật.
Với tình huống trên, trách nhiệm của người sử dụng lao động, rồi quyền lợi được hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động sẽ giải quyết như thế nào? Ngoài ra, việc khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định sa thải hoặc buộc thôi việc đôi khi kéo dài đến vài năm, vậy trong thời gian này người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?
Trong báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Xã hội của Quốc hội phản ánh, theo quy định của pháp luật về lao động, người lao động bị sa thải hoặc kỷ luật buộc thôi việc sẽ không được nhận tiền trợ cấp thôi việc.
Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ đề xuất về việc không cho hưởng trợ cấp thất nghiệp, để tạo điều kiện cho họ được hưởng trên cơ sở nguyên tắc “đóng – hưởng”.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, đoàn Bình Phước. ẢNH: GIA HÂN
Mức trợ cấp thất nghiệp không đủ chi phí cuộc sống?
Dự thảo luật Việc làm sửa đổi quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) nói, thực tế cho thấy với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân, người lao động không đủ chi phí trong cuộc sống cá nhân, chưa tính đến cuộc sống gia đình của người lao động.
Cạnh đó, mức lương hiện nay doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp hầu hết là theo mức lương tối thiểu vùng, khoảng hơn 4 triệu đồng một tháng, đồng nghĩa mức trợ cấp thất nghiệp cũng chỉ khoảng 2,5 triệu đồng.
Bà Sang đề nghị nghiên cứu quy định tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhằm phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Đồng thời, bà kiến nghị bỏ quy định “tối đa không quá 12 tháng” về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, thực hiện theo nguyên tắc có đóng, có hưởng và đóng đến đâu thì hưởng đến đó, không giới hạn.
(Theo Thanh Niên)