Bệnh nhân ung thư giả nghèo, dùng tiền quyên góp để mua căn hộ mới
Một chàng trai mắc ung thư ở Trung Quốc bị phát hiện gian dối khi dù không nghèo vẫn kêu gọi quyên góp để dùng tiền đó mua nhà.
Bệnh nhân ung thư họ Lan (29 tuổi, sống tại Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc,Trung Quốc) được quyên góp 700.000 nhân dân tệ (2,4 tỷ đồng) chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, gần một tháng sau, anh này khoe sở hữu một căn hộ mới đã làm dấy lên nghi ngờ trước công chúng.
Lan được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin, một loại ung thư hiếm gặp. Anh tự giới thiệu mình là sinh viên tốt nghiệp năm 2020 tại Đại học Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô, từng làm việc tại một công ty Internet lớn ở Quảng Châu trước khi bị chẩn đoán mắc ung thư.
Căn bệnh của anh được cho rằng khó điều trị khi tái phát. Trước thông tin trên, anh cho biết tình hình tài chính gia đình gặp khó khăn vì phải trả cả hóa đơn viện phí của cha anh trước khi chết, khiến họ phải gánh khoản nợ lớn.
Lan có giấy tờ chính thức chứng nhận rằng anh đang mắc bệnh ung thư. (Ảnh: Shutterstock)
Ngày 14/10, anh bắt đầu chiến dịch gây quỹ trên một nền tảng gây quỹ cộng đồng. Theo bạn bè của Lan, chiến dịch gây quỹ của anh được lan truyền rộng rãi, với những lời kêu gọi đăng trên các nhóm cựu sinh viên và trên mạng xã hội. Anh thậm chí còn ghi lại câu chuyện cá nhân của mình thông qua video và chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng để quyên góp.
Tuy nhiên, các nhà hảo tâm bắt đầu nghi ngờ về tính minh bạch tài chính của Lan khi anh chia sẻ hình ảnh về một căn hộ mới mua trong một cuộc trò chuyện nhóm và anh còn tự hào khoe quỹ cộng đồng đã mang lại hơn 700.000 nhân dân tệ chỉ trong vài ngày. Anh viết: “Đây là nhà mới của tôi, tổng giá trị 738.000 nhân dân tệ”.
Mối lo ngại càng gia tăng khi một quảng cáo kết hôn trước đó do Lan đăng tải tiết lộ rằng gia đình anh sở hữu nhiều bất động sản, bao gồm hai căn hộ chung cư có giá trị lên tới 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỷ đồng). Gia đình này cũng sở hữu bất động sản thương mại trị giá hơn 3,8 triệu nhân dân tệ (13 tỷ đồng), thu về 145.000 nhân dân tệ (509 triệu đồng) tiền cho thuê hàng năm. Trong khi đó hồ sơ của anh trên nền tảng gây quỹ cộng đồng chỉ liệt kê một bất động sản duy nhất có giá trị từ 300.000 đến 500.000 nhân dân tệ (1 – 1,7 tỷ đồng) và một chiếc xe mà anh khẳng định là đang được rao bán.
Ngày 7/11, nền tảng gây quỹ cộng đồng đã cấm kênh của Lan, khi đó kênh đã nhận được hơn 270.000 nhân dân tệ (947 triệu đồng) từ 4.536 người quyên góp.
Nền tảng gây quỹ cộng đồng đưa ra tuyên bố chính thức xác nhận Lan đã che giấu tình hình tài chính thực sự của gia đình mình: “Theo quy định của nền tảng, toàn bộ số tiền Lan nhận được tổng cộng là 278.204 nhân dân tệ (976 triệu đồng) đã được thu hồi đầy đủ và sẽ được hoàn trả cho các nhà tài trợ.
Lan đã bị thêm vào danh sách đen những người gây quỹ mất uy tín và bị cấm vĩnh viễn không được tham gia bất kỳ chiến dịch gây quỹ nào trong tương lai trên nền tảng của chúng tôi”.
Sau đó, Lan nói rằng anh đã gửi 200.000 nhân dân tệ (702 triệu đồng) từ số tiền quyên góp vào một tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn, phủ nhận cáo buộc rằng anh dùng số tiền này để mua bất động sản.
Gia đình giàu có của Lan sở hữu nhiều bất động sản nhà ở và thương mại. (Ảnh: Shutterstock)
Hiện chưa rõ liệu Lan có phải chịu hình phạt pháp lý nào không. Vụ việc được Red Star News đưa tin, làm dấy lên mối lo ngại của công chúng về tính minh bạch trong hoạt động gây quỹ từ thiện.
“Anh ta đã mất đi cơ hội được hưởng lợi, nhưng hành động lừa dối của anh có thể khiến nhiều người ngần ngại quyên góp cho những người thực sự cần”; “Đây là lý do tại sao tôi không quyên góp trên các nền tảng. Bạn không bao giờ thực sự biết liệu người nhận có thực sự cần hay không. Đôi khi, họ thậm chí còn giàu hơn bạn. Tôi chỉ quyên góp cho những người mà tôi biết rõ và tin tưởng”…là những bình luận của cộng đồng mạng.
Nhật Thùy (Nguồn: SCMP)