Bảo vật quốc gia ở chùa Phổ Quang hư hại như thế nào sau vụ cháy lớn
Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá xanh ở chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) được đánh giá là cổ vật đặc biệt quý hiếm mà cổ nhân để lại cho hậu thế, đã bị vỡ hỏng một số chi tiết và có dấu hiệu biến dạng sau vụ hỏa hoạn ngày 23/10.
Thông tin vụ cháy chùa Phổ Quang được giới chuyên môn và các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm bởi đây là nơi lưu giữ cổ vật Bàn thờ Phật bằng đá xanh hơn 700 năm tuổi mang nhiều giá trị lịch sử, mỹ thuật và triết lý sâu sắc. Ngay sau khi ngọn lửa được dập tắt trưa ngày 23/10, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành xem xét hư hại của Bảo vật Quốc gia này.
Bàn thờ Phật bằng đá trước vụ hỏa hoạn ngày 23/10.
Theo ghi nhận ban đầu, cổ vật Bàn thờ Phật bằng đá bị vỡ hỏng hai chi tiết cánh sen ở phía trên cùng bên phải. Nhiều vị trí về mặt của cổ vật xám đen nhưng cần xem xét kỹ lưỡng hơn để biết được chính xác lửa đã gây ra những biến đổi gì.
Đáng chú ý nhất là Bàn thờ Phật này được các cổ nhân chế tác, lắp ghép từ 71 phiến đá xanh. Sau khi bị “nung nóng” suốt 2 giờ hỏa hoạn, giới chuyên môn lo lắng kết cấu, hình dạng của cổ vật có thể bị ảnh hưởng nên cần có những đánh giá chuyên sâu hơn.
Với tính chất quan trọng của Bảo vật Quốc gia này, ngay trong chiều 23/10, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã phát văn bản chỉ đạo Sở VHTT&DL Phú Thọ phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương có biện pháp khẩn cấp bảo vệ cổ vật. Tại chùa Phổ Quang, sau khi ngọn lửa được dập tắt, nhiều cán bộ chuyên môn cùng lực lượng công an đã căng bạt quây kín gian chính điện – nơi đặt Bàn thờ Phật bằng đá. Đồng thời, hiện trường được phong tỏa, nhiều cán bộ công an được phân công trực bảo vệ.
Chi tiết cánh sen của cổ vật Bàn thờ Phật bằng đá bị gãy vỡ sau hỏa hoạn.
Theo nghiên cứu trước đây của cán bộ chuyên môn thuộc Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ), Bàn thờ Phật bằng đá, hay còn được gọi là Bàn thờ Phật hoa sen , được các cổ nhân chế tác vào năm 1387, thuộc triều đại vua Trần Phế Đế. Các nghệ nhân xưa đã khéo léo ghép 71 phiến đá xanh để tạo nên một bàn thờ bề thế, vững chãi hình chữ nhật cao và rộng hơn 1 m, dài 3,3 m.
Về tổng thể, Bàn thờ Phật hoa sen được chia thành 5 tầng. Ở mỗi tầng, các nghệ nhân xưa chạm khắc hoa văn, họa tiết mang những ý nghĩa khác nhau. Nổi bật trên tầng trên cùng, các phiến đá được tạc hình đóa sen đang nở tạo thành bệ đỡ tượng Phật bề thế. Chi tiết này phù hợp với văn hóa quen thuộc trong đạo Phật luôn gắn liền hiện thân Đức Phật xuất hiện trên đài sen nguy nga.
Ở tầng giữa, bề mặt đá được chạm khắc hai con rồng, ở giữa là họa tiết vừa giống lá đề, vừa giống tia mặt trời. Đáng chú ý, hai con rồng ở tầng giữa này được chạm khắc đúng hình tượng rồng Việt giống như con hình tượng con rồng thường thấy trên các lộc bình Việt cổ. Tổng thể tạo hình tầng giữa mang hàm ý “lưỡng long chầu nhật” – một ý niệm phổ biến của các bậc tiền nhân về sức mạnh và quy phong của dân tộc.
Bàn thờ Phật bằng đá sau hỏa hoạn.
Các nghiên cứu chuyên môn trước đây đã xác định trên Bàn thờ Phật hoa sen đánh dấu lần đầu tiên xuất hiện hình tượng “sư tử hí cầu” và “cá hóa rồng”. Cho đến nay, đây vẫn là hiện vật duy nhất ở niên đại này có hình tượng mỹ thuật cổ kể trên.
Là một cổ vật được chế tác tại vùng đất xung quanh núi Nghĩa Lĩnh – nơi phát tích cội nguồn của dân tộc, Bàn thờ Phật hoa sen có các họa tiết hoa hải đường. Đây là loài hoa đặc trưng của vùng trung du Tây Bắc.
Ra đời từ chiều đại vua Trần Phế Đế, cổ vật Bàn thờ Phật hoa sen được đặt tại chùa Phổ Quang ở làng Dòng (xã Xuân Lũng), chưa một lần dịch chuyển. Người dân làng Dòng bảo vệ cổ vật qua 7 thế kỷ như một báu vật, gần như nguyên vẹn cho đến ngày xảy ra vụ hỏa hoạn.