Bão Trà Mi sẽ liên tục tăng cấp sau khi vào Biển Đông
Hiện nay bão Trà Mi đang ở cấp 9, nhưng sau khi vào Biển Đông có thể tăng lên cấp 12, giật cấp 15.
Sáng 23-10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục thông tin về diễn biến của cơn bão TRAMI (tên tiếng Việt là Trà Mi).
Lúc 7 giờ sáng, bão Trà Mi đang trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88 km/giờ), giật cấp 11. Bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 20 km/giờ.
Dự báo trong những giờ tới, bão Trà Mi tiếp tục mạnh lên. Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định khoảng chiều 24 đến sáng 25-10, bão Trà Mi sẽ di chuyển vào Biển Đông. Khi vào Biển Đông bão mạnh lên cấp 10, giật cấp 12.
Dự báo trong những giờ tới, bão Trà Mi tiếp tục mạnh lên. Ảnh: KTTVQG
Những giờ tiếp theo,bão tiếp tục tăng cấp rất nhanh. Khoảng sáng ngày 26-10, khi bão còn cách quần đảo Hoàng Sa 190 km về phía Đông, cấp bão đã tăng lên cấp 12, giật cấp 15.
Thời điểm này đang vào cuối mùa bão nên diễn biến các cơn bão thường phức tạp, khó lường. Dự báo bão Trà Mi còn liên tục đổi hướng, có thể đổi từ hướng Tây Bắc sang hướng Tây Nam.
Chiều 22-10, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia) đã đưa ra nhận định ban đầu về tác động của cơn bão này. Ông Tuấn dự báo khoảng ngày 26 đến 28-10, trên khu vực các tỉnh Trung Bộ khả năng xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của bão Trà Mi.
Một số chuyên gia khác trong ngành cũng nhận định, bão Trà Mi có thể giảm cấp khi vào gần bờ vì chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Tuy nhiên chính không khí lạnh này gặp mây đối lưu và hoàn lưu bão sẽ tạo một đợt mưa rất lớn và kéo dài ở miền Trung.
Dự báo do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7. Từ sáng ngày 24-10 tăng lên cấp 8-9 (62-88 km/giờ), vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11 (89-117 km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 4,0-6,0m, vùng gần tâm bão 6,0-8,0m; biển động dữ dội.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.