Công ty GFDI vỡ nợ hơn 3.700 tỷ đồng: Khách hàng thu hồi tiền cho vay thế nào?

Luật sư nêu tình huống pháp lý liên quan vụ Công ty GFDI nợ 7.541 khách hàng với tổng số hơn 3.700 tỷ đồng và khả năng thu hồi tiền của người cho vay.

Sáng 10/11, ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News, tại trụ sở chính của Công ty GFDI (số 92 đường 29/3, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), dù cửa đóng, chỉ có cán bộ công an địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ nhưng thỉnh thoảng vẫn còn một vài khách hàng tìm đến mang theo chút hy vọng tìm kiếm thông tin rồi lặng lẽ ra về.

Liên quan vụ việc này, Cơ quan Điều tra Công an TP Đà Nẵng xác định, từ đầu tháng 11/2024, Công ty GFDI mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.

Lực lượng công an khám xét Công ty GFDI, thu giữ nhiều tài liệu phục vụ điều tra.

Công an TP Đà Nẵng tiếp tục điều tra, xử lý hành vi của Nguyễn Quang Hoàng (Tổng giám đốc Công ty GFDI) cùng các tổ chức, cá nhân liên quan và tích cực xác minh, thu hồi tài sản phục vụ giải quyết hậu quả, đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng liên quan vụ việc.

Bình luận về yếu tố pháp lý xung quanh vụ việc, luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết khách hàng cho Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI (Công ty GFDI) vay chỉ có thể hy vọng thu hồi được tiền khi cơ quan điều tra truy thu được nguồn tiền đã bị mất.

Theo luật sư Trần Hậu, hiện cơ quan điều tra đang điều tra làm rõ các vi phạm pháp luật của những cá nhân liên quan đến GFDI huy động tiền của người dân nên các khách hàng phải kiên nhẫn chờ đợi. Khả năng thu hồi được tiền của khách hàng sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy và phong tỏa được các nguồn tiền chuyển đi.

Vị luật sư phân tích thường các hoạt động chiếm đoạt tiền lớn, thời gian kéo dài và mất vốn có thể do lấy của người sau trả lãi cho người trước. Nhưng nếu lãi trả cho người trước không đủ lớn như số tiền thiệt hại thì rõ ràng tiền được chuyển đi vào các nguồn nào khác.

Điều dễ nhận thấy trong vụ việc xảy ra tại Công ty GFDI là doanh nghiệp chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mặt hình ảnh để gây dựng niềm tin. Chiêu trò lấy tiền người sau trả lợi nhuận cho người trước thời gian đầu vừa nhanh vừa dễ đã tạo nên sự tin tưởng của những người đầu tư. Đây là dấu hiệu của kiểu đa cấp biến tướng và khi “vỡ trận” thì xử lý hậu quả rất nặng nề.

“Do đó, nếu điều tra làm rõ, thu hồi, phong tỏa được các nguồn tiền chuyển đi thì mới có cơ hội để xử lý bồi thường cho các nạn nhân một cách hiệu quả”, luật sư Trần Hậu nói.

Tuy nhiên, luật sư Trần Hậu cũng nêu dẫn chứng từng có nhiều vụ án hình sự tương tự vụ việc tại Công ty GFDI, việc điều tra, làm rõ dòng luân chuyển của tiền không đạt kết quả dẫn đến việc xử lý hình sự được thực hiện, còn khả năng thu hồi tiền thiệt hại lại chưa làm được.

Rất đông khách hàng kéo đến Công ty GFDI để đòi lại tiền trong các ngày từ 6-8/11.

“Do đó, cơ quan điều tra cần có những giải pháp truy nguồn tiền đã bị mất để có thể khắc phục được hậu quả thực tế”, bà Hậu nói.

Vị luật sư này cho biết thêm dấu hiệu biến tướng của hoạt động huy động vốn theo phương thức đa cấp bất chính (dùng tiền huy động của người sau trả lãi cho người trước, chi trả hoa hồng lớn cho những người huy động đầu tư) đã được cơ quan công an cảnh báo nhưng vì lợi nhuận lớn, nhiều người vẫn bị lừa.

2 tình huống pháp lý

Nhìn nhận về hướng xử lý vụ việc, hình phạt Tổng Giám đốc Công ty GFDI có thể đối diện trong vụ án này, luật sư Trần Hậu nêu 2 trường hợp có thể xảy ra.

Thứ nhất, nếu xác định được cá nhân có hành vi gian dối, có ý định chiếm đoạt tài sản trước khi ký các hợp đồng vay tiền thì có dấu hiệu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hình phạt cao nhất có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Thứ hai, nếu như sau khi vay tiền mới có ý định chiếm đoạt tài sản thì có dấu hiệu tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và có thể có mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Đồng thời, cá nhân có hành phi sai phạm phải có trách nhiệm hoàn trả, bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

Đối với các cá nhân liên quan, tức là nhân viên của Công ty GFDI, nếu họ hoàn toàn không biết nguồn tiền huy động về được dùng làm gì, không biết mục đích của việc huy động, chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty thì có thể họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

“Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh cụ thể để đánh giá vai trò, vị trí của các nhân viên công ty trong vụ này bởi chắc chắn có rất nhiều người có liên quan và có vấn đề pháp lý liên quan đến họ. Quan trọng là vấn đề chứng minh tính liên quan đối với mục đích, ý định gian dối và ý chí chiếm đoạt tài sản.

Nếu các nhân viên công ty làm thuê ăn lương, không có mục đích giúp sức cho việc gian dối thì họ có thể được đánh giá và phân loại vai trò trong vụ việc”, luật sư Trần Hậu nêu.

Công ty GFDI thành lập ngày 17/5/2018, vốn điều lệ 80 tỷ đồng, trụ sở chính tại số 92, đường 29/3 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), do Nguyễn Quang Hoàng là Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty.

Từ tháng 11/2023, Nguyễn Quang Hoàng chỉ đạo nhân viên lừa đảo khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng vay tiền, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước.

Đầu tháng 11/2024, Công ty GFDI mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.

Từ ngày 6/11, công ty dừng hoạt động, hàng trăm khách hàng tại Đà Nẵng và một số địa phương khác vây trụ sở để đòi lại tiền nhưng không được.

Ngày 8/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng khám xét khẩn cấp trụ sở chính, sở giao dịch của Công ty GFDI tại số 47 Núi Thành và nhà riêng Nguyễn Quang Hoàng cùng các đối tượng có liên quan.

Châu Thư

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cong-ty-gfdi-vo-no-hon-3-700-ty-dong-khach-hang-thu-hoi-tien-cho-vay-the-nao-ar906495.html

 

TIN LIÊN QUAN
error: