Thủy điện vận hành cả chục năm, người dân vẫn chưa có tiền bồi thường

Thủy điện Đăkđrinh đã đi vào vận hành hơn 10 năm qua, nhưng 21 hộ dân có đất bị thu hồi để thi công dự án này vẫn đang mòn mỏi chờ tiền đền bù, hỗ trợ.

Mòn mỏi chờ đợi

Ông Phạm Ngọc Minh (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) có trên 1ha đất bị thu hồi để thi công lòng hồ thủy điện Đăkđrinh. Dự án đã tích nước, vận hành từ tháng 6/2014 mà đến nay, ông Minh vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

Người dân viết đơn đòi tiền bồi thường.

“Gia đình khó khăn lắm rồi. Mất đất, không có gì canh tác làm ăn, chẳng có cau cũng chẳng có keo. Tính đến nay đã 12 năm”- ông Minh chia sẻ.

Tương tự, ông Phan Thanh Phong (xã Sơn Dung) cũng không biết khi nào mới được nhận bồi thường. Hơn 1ha đất canh tác của gia đình bị thu hồi, từ lâu đã trở thành một phần của lòng hồ thủy điện, còn tiền đền bù thì chưa thấy đâu.

“Trong khi các hộ dân khác đã nhận tiền đầy đủ, mua đất trồng cây, làm ăn, gia đình tôi vẫn phải chờ. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, đối thoại, các cấp, các ngành đều hứa là giải quyết, rồi đến giờ vẫn vậy”- ông Phong bức xúc.

Nhiều hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án thủy điện Đăkđrinh vẫn chưa được nhận bồi thường.

Được biết, dự án thủy điện Đăkđrinh có công suất 125 MW, xây dựng trên địa bàn huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).

Dự án được đưa vào vận hành hơn 10 năm qua, nhưng hiện có 45 thửa đất với tổng diện tích 9,5ha của 21 hộ thuộc lòng hồ thủy điện Đăkđrinh còn vướng mắc, chưa được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.

Lý giải của chính quyền

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Trường Giang- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, những trường hợp vướng mắc đa số là mua bán, chuyển nhượng đất không đúng quy định pháp luật, mượn người khác đứng tên với mục đích nhận tiền chuyển đổi nghề nghiệp.

Vướng mắc về mua bán, chuyển nhượng đất không đúng quy định pháp luật là nguyên nhân chính dẫn đến việc 21 hộ dân chưa được nhận bồi thường.

Dẫn chứng đơn cử như ông A là chủ đất chuyển nhượng cho ông B nhưng không đảm bảo thời gian và quy định của pháp luật. Ông B là người đứng tên trong phương án nhận tiền cây cối, hoa màu không phải người dân sở tại, không trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp lại nhờ bà C đứng tên hộ trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện.

“Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp khác hết sức phức tạp và nhạy cảm, với mục đích cuối cùng là nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Đó là nguyên nhân đến nay vẫn chưa thực hiện xong công tác đền bù, hỗ trợ cho người dân liên quan dự án thủy điện Đăkđrinh”- ông Giang thông tin.

Thủy điện Đăkđrinh đã tích nước, vận hành thương mại hơn 10 năm qua.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thủy điện Đăkđrinh phối hợp với các đơn vị để giải quyết. Tuy nhiên, quá trình xác minh nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn, đất được chuyển nhượng phức tạp, không có giấy tờ, chuyển nhượng qua nhiều người, nhiều lần… nên công tác xác thực giữa các bên liên quan bị kéo dài.

Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND xã Sơn Dung cùng các hộ dân có liên quan rà soát, xác minh lại toàn bộ hồ sơ, nguồn gốc đất có liên quan để tiến hành niêm yết công khai và tiến hành phân loại.

Trường hợp các hộ dân có giấy tờ mua bán hợp lệ, đảm bảo theo quy định tại thời điểm thực hiện và không có khiếu kiện, khiếu nại, Hội đồng bồi thường trình UBND huyện xem xét cho chủ trương tách phương án, lập hồ sơ đảm bảo quy định trình phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.

Thửa đất nào các bên mua bán có tranh chấp sẽ tiến hành hòa giải, nếu đồng thuận thì trình phê duyệt vị trí, loại đất lập phương án phê duyệt và tiến hành chi trả cho dân.

Thửa đất nào các bên mua bán có tranh chấp, không đúng theo quy định của pháp luật thì hướng dẫn các bên ra tòa. Sau khi bản án có hiệu luật sẽ trình phê duyệt vị trí, loại đất lập phương án phê duyệt và tiến hành chi trả cho dân.

Đối với những thửa đất liên quan bị ảnh hưởng dự án thủy điện Đăkđrinh đến nay chưa thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ với nguyên nhân như trên, sẽ thực hiện theo quy định Luật Đất đai năm 2024 và đơn giá bồi thường theo quy định hiện hành.

Ông Trần Hoàng Tuấn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăkđrinh là trách nhiệm của địa phương. Do đó, huyện Sơn Tây phải xác định hồ sơ nào đủ điều kiện thì chi trả tiền, hồ sơ nào không đảm bảo thì trả lại và hướng dẫn công dân khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuy-dien-van-hanh-ca-chuc-nam-nguoi-dan-van-chua-co-tien-boi-thuong.html

TIN LIÊN QUAN
error: