Bão Yinxing rất mạnh trên biển có đổ bộ vào đất liền?

Bão Yinxing đang tiến sát Biển Đông với cường độ bão rất mạnh, giật trên cấp 17 khiến vùng Biển Đông sẽ có sóng rất cao. Dù dự báo không đổ bộ vào đất liền song bão gây mưa dông cho một loạt các địa phương.

Không khí lạnh sẽ “chặn” bão đổ bộ vào đất liền

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (7/11), bão Yinxing giật trên cấp 17 đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Bắc của đảo Luzon (Philippines). Dù bão chưa vào Biển Đông nhưng hiện ở trạm Lý Sơn đã có gió giật cấp 7. Vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, khu vực Giữa Biển Đông và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác.

Ngày và đêm 7/11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Riêng vùng biển phía Đông, từ đêm 7/11, gió mạnh dần lên cấp 8-10, giật cấp 11-13, biển động rất mạnh. Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và vùng biển phía Bắc khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Vùng biển từ Bình Định đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.

Bão Yinxing có thể không đổ bộ vào đất liền do ảnh hưởng của không khí lạnh.

Ngày và đêm 8/11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng biển phía Đông gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 4,0-6,0m, vùng gần tâm bão 6,0-8,0m.

Vùng biển phía Bắc khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,5m.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, hiện tại bão Yinxing đang ở phía Đông đảo Luzon của Philippines với vận tốc gió lên tới 185km/h (bão rất mạnh). Tuy nhiên khi đi vào sát bờ Bắc của đảo Luzon bão sẽ giảm cấp sau đó đi vào biển Đông của Việt Nam (kinh tuyến 120) vào ngày 8/11 bão sẽ bắt đầu mạnh lên trở lại và di chuyển theo hướng Tây – Tây Bắc. Tuy nhiên khi tới gần khu vực Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bão sẽ gặp phải áp cao cận nhiệt đới và không khí lạnh nên bão sẽ đổi hướng dịch chuyển về hướng Tây – Tây Nam.

Hiện tại nền nhiệt ven bờ biển Vịnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang ở mức 26 độ C và đến ngày 10/11 nhiệt độ bề mặt biển sẽ xuống thấp hơn nữa, không thuận lợi cho bão duy trì sức mạnh. “Rất may mắn đợt không khí lạnh này về đúng lúc để chặn bão nếu không thì Yinxing sẽ mạnh lên rất nhanh”, TS Huy nhận định.

Dự báo bão Yinxing sẽ giảm thành một vùng áp thấp gây mưa vừa và mưa to ven bờ biển Trung Trung Bộ từ chiều ngày 11/11 đến sáng 13/11. Chuyên gia nhận định cơn bão này không mạnh về gió khu vực gần bờ nhưng rất mạnh ngoài khơi cách bờ biển Trung Bộ 200 – 300km. Tàu thuyền đánh cá không nên hoạt động trên biển Đông từ vĩ tuyến 12 trở lên trong các ngày từ 9/11-12/11. Sóng biển ven bờ từ Thừa Thiên Huế tới Quảng Trị có thể cao 3,5 – 4,5 mét trong ngày 11 và 12/11.

Các tỉnh ven biển chủ động ứng phó

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi công điện đến các cơ quan chức năng về việc ứng phó với bão Yinxning gần biển Đông. Theo dự báo ngày 8/11, bão Yinxin sẽ đi vào biển Đông với cường độ cấp 13, giật cấp 16. Đồng thời, trong những ngày vừa qua, khu vực miền Trung đã có mưa to đến rất to.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, mưa lớn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo vùng nguy hiểm trong 48 giờ tới: Từ Vĩ tuyến 17,0-21,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh theo các bản tin dự báo).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh khu vực miền Trung khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả do mưa lũ trong thời gian vừa qua. Kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, nguồn lực để triển khai đảm bảo an toàn, hiệu quả với diễn biến bão, mưa lũ.

Các cơ quan truyền thông, hệ thống đài thông tin duyên hải cần tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão, mưa lớn đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tiếp tục trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

TIN LIÊN QUAN
error: