Giá vàng liên tục tăng ‘nóng’, Ngân hàng Nhà nước nên vào cuộc ghìm cương?

Theo các chuyên gia, giá vàng tăng nóng những ngày qua đến từ sự chênh lệch cung – cầu, do đó Ngân hàng Nhà nước cần có động thái can thiệp để bình ổn thị trường.

Ngày 23/4/2025, báo VTC News đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng liên tục tăng ‘nóng’, Ngân hàng Nhà nước nên vào cuộc ghìm cương?”. Nội dung như sau:

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục tăng “nóng”, những biện pháp đến từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để giúp thị trường bình ổn hơn là vô cùng cần thiết.

Thực tế, vừa qua Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN vào cuộc, có những biện pháp cụ thể để bình ổn thị trường vàng. “Hiện nay, một số biện pháp hành chính có thể giúp giá vàng hạ nhiệt, ông Hiếu nói.

Giá vàng trong nước liên tục tăng nóng những ngày qua. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Giá vàng trong nước liên tục tăng nóng những ngày qua. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Tuy nhiên ông Hiếu cũng nhấn mạnh, những biện pháp hành chính chỉ mang tính nhất thời mà không thể giải quyết tận gốc. Vấn đề hiện nay của thị trường vàng đến từ việc cung và cầu không gặp nhau, trong khi nhu cầu mua vàng ngày càng tăng thì nguồn cung lại rất giới hạn.

Ông Hiếu phân tích, vàng thuộc nền kinh tế thị trường, nó chịu ảnh hưởng bởi cung cầu thế nên rất bất định, không theo quy luật nào mà hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường.

“Do đó, để có thể can thiệp được vào giá vàng, chúng ta cần phải có biện pháp quân bình được cân bằng cung cầu chứ không thể điều chỉnh thị trường. Vừa qua Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN kiểm soát thị trường, đặc biệt là việc đầu cơ”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, giá vàng trong nước chịu tác động mạnh mẽ từ giá vàng thế giới. Trong những ngày gần đây, giá vàng thế giới cũng liên tục tăng mạnh khiến giá vàng trong nước tăng theo là điều dễ hiểu.

“Nếu trong thời gian tới, tình hình thế giới không được ổn định trở lại, giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh nữa”, ông Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng giá vàng cũng có thể giảm bất cứ lúc nào chứ không thể mãi đi lên.

“Khi giá tăng cao quá sẽ dẫn đến việc nhiều người có vàng đổ xô đi bán chốt lời. Khi đó, nguồn cung được tăng lên, giá vàng sẽ giảm xuống”, ông Hiếu phân tích.

Do đó, ông Hiếu lưu ý người dân cần theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng để có thể quyết định việc mua vào hay bán ra, tránh những rủi ro về tài chính khi tham gia đầu tư vàng.

“Với thị trường vàng, không có mức nào gọi là đỉnh, không ai biết được đỉnh của nó cả. Ngày nay mức này là rất cao nhưng ngày mai lại có thể tăng tiếp. Nhu cầu về vàng là không có giới hạn, vì thế giá vàng có thể sẽ vẫn còn tăng tiếp”, ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần phải có biện pháp để đưa giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới hơn. Không thể để tình trạng giá vàng thế giới tăng, chúng ta cũng tăng mạnh hơn khiến khoảng cách ngày càng được nới rộng sẽ tạo ra hệ lụy rất xấu.

“Việc cần có các biện pháp hành chính để bỉnh ổn thị trường là rất cần thiết”, ông Long nêu ý kiến.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, do đó, người dân cần theo dõi xem các động thái bình ổn của Ngân hàng Nhà nước sẽ diễn ra thế nào mà không cần hoang mang.

Trước đó, NHNN đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế liên tiếp tăng là:

Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Isarel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông.

Thứ hai, nhiều Ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng.

Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng…

NHNN cho rằng, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024 (có thời điểm chênh lệch lên mức cao nhất trong năm 2024 khoảng 18 triệu đồng/lượng, tương đương 25%).

Diễn biến này cho thấy với những biện pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi được kiểm soát trong biên độ phù hợp”, NHNN nhận định.

Làm gì để cải thiện nguồn cung vàng?

Theo các chuyên gia kinh tế, trước tiên người dân tránh đổ xô đi mua vàng, để làm vàng bớt nóng thêm và giảm sự khan hiếm.

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng và bền lâu nhất theo TS. Nguyễn Trí Hiếu là cơ quan quản lý cần sớm cân nhắc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng trong nước có thể sẽ giảm nhiệt, thay vì tăng không ngừng và lại đang xa dần thế giới.

Ngoài ra, cần xem xét việc thiết lập sàn giao dịch vàng chính thức. Sàn giao dịch vàng sẽ giúp liên thông giá vàng trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để vàng có thể giao dịch một cách minh bạch, hợp pháp.

Việc thành lập sàn giao dịch vàng cũng được cho là sẽ hỗ trợ quản lý chặt chẽ hơn, giảm thiểu các giao dịch vàng qua “chợ đen” và tăng cường minh bạch cho thị trường.

Cửa hàng "cháy vàng" trong ngày giá cao nhất lịch sử. (Ảnh: Minh Đức)

Cửa hàng “cháy vàng” trong ngày giá cao nhất lịch sử. (Ảnh: Minh Đức)

Ông Nguyễn Quang Huy CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi cũng nêu quan điểm, Việt Nam cần có chiến lược quản lý vàng mang tính linh hoạt, minh bạch và đồng bộ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế đầu cơ và tránh nguy cơ “vàng hoá” nền kinh tế trong một thế giới ngày càng khó lường.

Ông Huy phân tích, chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế ở mức cao khiến người dân cảm thấy vàng là kênh “lưu trữ tài sản an toàn”, dẫn đến xu hướng “găm vàng”, hạn chế dòng vốn luân chuyển.

“Tuy nhiên, việc “vàng hoá” chưa lan rộng do Ngân hàng nhà nước vẫn kiểm soát vàng miếng, tiền đồng vẫn ổn định, kênh chứng khoán và bất động sản vẫn thu hút dòng tiền. Nhưng nếu chênh lệch tiếp tục nới rộng, người dân ngày càng đổ xô đi mua tích trữ vàng thì ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính và làm suy giảm hiệu quả điều hành tiền tệ”, ông Huy nói.

Ông Huy cũng cho rằng, trước diễn biến toàn cầu bất định, người dân lo ngại mất giá tiền đồng hoặc rủi ro hệ thống, dẫn đến giảm gửi tiết kiệm, tăng tích trữ vàng vật chất và tâm lý phòng thủ gia tăng. “Nguyên nhân là do chúng ta thiếu một số công cụ phòng ngừa rủi ro chuyên nghiệp”, ông Huy nói.

Cùng ngày, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng miếng tăng 10 triệu đồng/lượng kể từ đầu tuần”. Cụ thể như sau:

Kết phiên giao dịch ngày 22/4, các doanh nghiệp lớn tiếp tục điều chỉnh giá vàng giá vàng miếng SJC lên mức 122-124 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 6 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với thời điểm mở cửa phiên. Chênh lệch giá mua và bán được giữ nguyên ở vùng 2 triệu đồng/lượng. Mức giá này là mức kỷ lục mới của vàng miếng SJC.

Giá vàng nhẫn trơn được niêm yết ở mức 116-119 triệu đồng/lượng (mua – bán), mỗi lượng tăng 2,5 triệu đồng ở 2 chiều mua và bán so với giá mở phiên.

Ngày 22/4, giá vàng lập đỉnh 124 triệu đồng/lượng, người dân xếp hàng dài chờ giao dịch tại một cửa hàng vàng lớn ở quận 3 (TPHCM) (Ảnh: VQ).

Phiên ngày 22/4, giá vàng trong nước bật tăng trong bối cảnh giá vàng thế giới lập kỷ lục mới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng có thời điểm lập đỉnh tiến sát mốc 3.500 USD/ounce.

Tuy nhiên, rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá kim loại quý thế giới bất ngờ đảo chiều giảm hơn 161 USD so với mức đỉnh trước đó, xuống còn 3.339 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới tương đương 105 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giảm mạnh trong bối cảnh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trở lại với thị trường cổ phiếu và đồng USD phục hồi. Động lực chính đến từ phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người ám chỉ khả năng hạ nhiệt trong căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.

Theo ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, tuyên bố của Bộ trưởng Bessent đã kích hoạt một đợt bán tháo vàng khi nhà đầu tư kỳ vọng căng thẳng thương mại sẽ sớm lắng xuống.

Cụ thể, trong phát biểu hôm 22/4, ông Bessent bày tỏ kỳ vọng “xung đột thuế quan Mỹ – Trung sẽ hạ nhiệt trong tương lai rất gần”, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ với mức tăng hơn 2%, đồng thời đẩy chỉ số US Dollar Index tăng 0,7%. Đồng USD mạnh lên khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.

Chuyên gia Jim Wyckoff của Kitco Metals nhận định: “Sự tăng điểm của thị trường chứng khoán và đồng USD hôm nay rõ ràng là yếu tố bất lợi đối với vàng”.

Tỷ giá trung tâm giảm sâu

Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ngày 21/4 ở mức 24.877 đồng/USD, giảm 30 đồng so với trước đó. Với biên độ 5%, tỷ giá trần là 26.122 đồng/USD, tỷ giá sàn là 23.631 đồng/USD.

Ngân hàng lớn niêm yết giá USD ở mức 25.725.00-26.115 đồng (mua – bán), giảm 50 đồng ở chiều mua vào và giảm 15 đồng ở chiều bán ra. Ngân hàng cổ phần niêm yết giá USD ở mức 25.750-26.120 đồng (mua – bán).

Trên thị trường tự do, các đơn vị giao dịch USD tại 26.320-26.420 đồng (mua – bán), tăng 35 đồng mỗi chiều.

TIN LIÊN QUAN