Bố mẹ không học đến lớp 10 nuôi con thành thạc sĩ, bác sĩ

Sau nhiều năm vất vả, đầu tư cho việc học của con, vợ chồng ông Minh tự hào khi người con cả hiện là bác sĩ chuyên khoa 1, người con thứ tốt nghiệp thạc sĩ ở Hàn Quốc.

Một ngày cuối tháng 3, giữa đám đông nhộn nhịp ở sân trường Đại học Y Dược TP.HCM trong đợt tốt nghiệp khoá sau đại học, một người đàn ông trung niên tóc đã ngả màu muối tiêu lóng ngóng mặc lên người bộ lễ phục tốt nghiệp, gương mặt tràn đầy niềm vui xen tự hào.

Ông không phải một trong những sinh viên trường mà là bố của Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1992) – tân bác sĩ chuyên khoa 1 tốt nghiệp hôm đó. Trước mặt gia đình đến chung vui, Hưng mặc cho bố, ông Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1971), bộ trang phục ý nghĩa để tri ân, như lời cảm ơn công dưỡng dục của đấng sinh thành. Mẹ anh, bà Kim Nhung, cũng chụp hình lưu niệm với bộ đồ của con.

“Bố mẹ tôi đều là nông dân, bố chỉ học hết lớp 9, mẹ tốt nghiệp tiểu học. Để anh em tôi được ăn học thành tài, hai người đã rất vất vả. Vì vậy, tôi muốn ngày đánh dấu cột mốc mới của mình cũng là ngày tôi gửi lời biết ơn chân thành, vinh danh cha mẹ”, Hưng nói với Tri Thức – Znews.

Khi được chia sẻ trên mạng xã hội, đoạn video nhận được gần 2 triệu lượt xem cùng nhiều bình luận đồng cảm, khen ngợi.

“Con học thay phần mẹ cha”

Ông Minh và bà Nhung đều sinh ra trong ra đình thuần nông ở Quảng Ngãi và không có điều kiện học hành. Sau khi kết hôn, hai người vào Đắk Lắk lập nghiệp với hai bàn tay trắng, lăn lộn nhiều nghề từ làm thuê đến dọn phân heo, trồng cà phê. Đến khi chuyển sang buôn bán nông sản tại nhà và ông Minh tự học thêm nghề điêu khắc gỗ, đời sống gia đình mới tạm ổn hơn.

Trong nhiều năm tháng ấu thơ, Hưng và 3 người em cảm nhận rõ sự vất vả, khó nhọc của bố mẹ và hoàn cảnh gia đình. Hồi cấp 1, Hưng và em gái thứ, Thuỳ Trang (sinh năm 1998) đều chỉ học trường làng, điều kiện thiếu thốn. Từ năm 10 tuổi, Hưng cũng phụ bố hái trái cây, nhặt bơ hay dậy từ 2-3h sáng theo bố đi mấy chục km để tưới nước cà phê.

Hưng mặc lễ phục cho bố mẹ trong ngày tốt nghiệp.

Tuy nhiên, dù bữa cơm nhiều lúc không có thịt, nhưng chỉ cần là thứ phục vụ việc học của con, vợ chồng ông Minh đều sẵn sàng tìm cách đáp ứng.

“Hồi cấp 2, cô giáo nói tôi có thể thử sức với kỳ thi Toán học trên Internet vì tôi học khá ổn. Khi nghe vậy, bố mẹ đã cố gắng lắp mạng Internet để tôi làm quen và tham gia thi. Bố mẹ tôi lúc nào cũng bảo các con hãy cố gắng, bố mẹ ít học nên hy vọng con cái có thể học thay phần mình”, Trang kể. Hay như lúc Hưng vào đại học, bố mẹ cũng đầu tư cho con trai chiếc laptop 13 triệu đồng dù ngày thường cầm lên đặt xuống khi mua chiếc áo 100.000 đồng.

Vợ chồng ông Minh cũng kiên quyết để các con học hành đến nơi đến chốn nếu có khả năng theo đuổi. Ở quê ông, nhiều gia đình chỉ cho con học hết cấp 3 rồi đi làm thuê, làm rẫy, song vợ chồng ông khẳng định: “Học được tới chừng nào ba mẹ lo chừng đó, có đi vay nợ cũng ráng cho các con đi học”.

Thành công để báo đáp bố mẹ

Nhận thức được sự vất vả của bố mẹ, anh em Hưng nỗ lực học tập từ nhỏ, trong đó Hưng và Trang đặc biệt say mê học hành.

Tháng 3 vừa qua, Hưng tốt nghiệp sau đại học tại Đại học Y Dược TP.HCM và hiện là bác sĩ chuyên khoa 1 y học cổ truyền, công tác tại khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng Trung tâm TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Hưng cũng đặt mục tiêu tham gia dạy học nhiều hơn, truyền đam mê về nghề y, đặc biệt là sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại.

“Tôi mong muốn giúp mọi người có thể tự chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ chữa bệnh cho nhiều người hơn, ngay cả khi họ không phải là bác sĩ. Tôi tin rằng bác sĩ là người quan trọng trong việc điều trị khi bệnh đã nặng và cần sự can thiệp của bệnh viện. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe, phát hiện sớm bệnh lý hay phòng ngừa từ sớm sẽ giúp giảm tải đáng kể gánh nặng cho các cơ sở y tế và mang lại lợi ích cho cộng đồng”, Hưng chia sẻ. Sự lương thiện, tinh thần giúp người khó khăn cũng là điều anh học được từ bố mẹ.

Trang đưa bố mẹ du lịch Hàn Quốc vào tháng 3 vừa qua.

Trong khi đó, Trang vừa tốt nghiệp cao học ở Hàn Quốc, có nhiều năm đạt học sinh giỏi ở Việt Nam. Khi du học, Trang chỉ mất 8 tháng để đạt chứng chỉ tiếng Hàn cấp 5 thay vì 1,5-2 năm như thông thường và hiện đã lên cấp 6, tiếng Anh 905 TOEIC. Cô cũng nhận bằng khen bài luận văn xuất sắc của khoa trong thời gian học cao học.

“Tôi luôn cố gắng học không phải vì chuyện có kiếm được nhiều tiền hay không mà tôi muốn ba mẹ sẽ yên lòng và tin tưởng rằng với ‘chiếc cần câu’ ba mẹ đầu tư, tôi sẽ tự nuôi sống bản thân và giúp ích cho đời, cũng như có thêm kiến thức để dẫn dắt thế hệ mai sau là các cháu của ba mẹ. Đó chắc chắn là thứ mà ba mẹ tôi mong mỏi nhất”, Trang bày tỏ.

Sau thời gian nghỉ ngơi, Trang dự định ở lại Hàn Quốc làm việc vài năm, sau đó trở về Việt Nam kinh doanh riêng hoặc tìm cơ hội việc làm phù hợp. Vừa qua, cô dành thời gian đưa bố mẹ du lịch xứ kim chi và một số địa điểm ở Việt Nam.

“Nhìn nụ cười hạnh phúc của bố mẹ, những lời khen ngợi tự hào, anh em tôi càng có động lực để thành công hơn nữa”, Trang chia sẻ.

Mai An

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bo-me-khong-hoc-den-lop-10-nuoi-con-thanh-thac-si-bac-si-post1546018.html

TIN LIÊN QUAN