Em đi tù, anh đi viện vì 1.000 m2 đất thừa kế mẹ chia không đều

Thấy đất tăng giá lên vài chục tỷ đồng, người mẹ chia cho con trai cả hơn 500 m2, còn con trai út hơn 400 m2.

Ảnh minh hoạ

Xin kể ra đây một câu chuyện khá đau buồn xảy ra tại làng quê của tôi từ cách đây 5 năm, về một gia đình có mảnh đất rộng gần 1.000 m2. Hơn chục năm trước, đất ở làng tôi không hề có giá trị mấy, khi cả ngàn mét vuông bán cũng chỉ được vài chục triệu đồng là cùng. Thế nhưng, khoảng dăm bảy năm trở lại đây giá đất bị đẩy lên cao đến “chóng mặt” bởi có khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài mọc lên sát làng.

Một mét vuông được người ta trả giá đến 20 triệu đồng. Vì thế 1.000 m2 đất của gia đình kia lúc này có giá tới cả vài chục tỷ đồng. Nhà họ có hai anh em trai, người cha đã mất sớm, người mẹ không đi bước nữa mà ở lại để nuôi các con khôn lớn. Khi đất có giá, người mẹ quyết định chia mảnh đất rộng rãi ấy cho hai con.

Cụ thể, người con trai cả được bà cắt cho khoảng hơn 500 m2, trong khi người con trai út chỉ được có khoảng hơn 400 m2. Ý của người mẹ là cho con trưởng hơn chút ít, bởi theo truyền thống quê tôi “con trưởng chịu trách nhiệm lo cúng giỗ ông bà, tiên tổ trong dòng họ nội tộc, còn người con trai thứ nhẹ gánh hơn khi chỉ chịu trách nhiệm vài đám góp giỗ bên ngoại mà thôi”.

Khi thấy mẹ chia cho mình mảnh đất nhỏ hơn, người con trai út kia hậm hực, không chấp nhận, để rồi sinh ra cãi vã, mâu thuẫn với cả mẹ và anh trai. Mâu thuẫn đẩy lên cao, cậu út đã mắng chửi cả mẹ mình với lời lẽ vô cùng hỗn láo. Thấy em chửi mẹ, người anh trai cũng không kiềm chế nổi, lao vào đánh em. Kết cục cay đắng khi người em hăng máu, cầm dao đuổi chém anh mình đến mức phải nhập viện trong tình trạng gần đứt lìa cánh tay cùng rất nhiều thương tích.

Câu chuyện liên quan tới đất đai của gia đình này kết thúc trong đau buồn khi người em bị bắt, đi tù một thời gian ngắn, còn người anh thì mang trên mình thương tích suốt đời. Cái mất lớn nhất của gia đình họ là tình anh em ruột thịt, mẹ con từ nhau, ra đường gặp nhau như quân thù…

Hay như câu chuyện khác cũng liên quan tới tranh chấp đất đai xảy ra trong chính dòng họ nội của tôi. Khoảng bảy năm nay, hai người bác họ của tôi, vốn là ruột thịt cùng cha mẹ, đã cắt đứt mọi quan hệ với nhau. Chuyện cũng bắt đầu từ ông bác cả tham lam của tôi muốn chiếm hết cả phần đất cha mẹ để lại, không muốn cho người em chút nào. Ông bác thứ sau đó đâm đơn kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Khi tòa tuyên bố mảnh đất phải chia đôi cho mỗi người một nửa, hai anh em bác không nhìn mặt nhau nữa.

Đám giỗ cha mẹ khi xưa cả hai đều chung tay tổ chức, giờ nhà ai nấy cúng, khiến cho nhiều người trong dòng họ của tôi cảm thấy rất buồn. Giá như ông bác cả của tôi không tham lam, thì đâu xảy ra nông nỗi như vậy.

Và còn rất nhiều gia cảnh, trường hợp liên quan tới tranh chấp đất đai, tiền bạc thừa kế, dẫn tới cảnh tương tàn như vậy tại nhiều miền quê ở nước ta. Thật đáng buồn khi đạo lý bị xói mòn chỉ vì lòng tham, mờ mắt vì đồng tiền.

Trong những năm gần đây, không chỉ tại các đô thị giá đất mỗi năm một tăng cao đến chóng mặt, mà tại các vùng nông thôn, thậm chí miền núi ở một số tỉnh thì các cơn sốt đất cũng “phủ sóng” khiến người lao động nói chung có nhu cầu tìm kiếm một mảnh đất nhỏ để xây nhà dựng cửa cho định hướng an cư cũng trở nên vô cùng vất vả.

Giá đất ở tăng cao đã biến những gia đình bấy lâu có diện tích đất thổ cư rộng rãi tự dưng trở thành… tỷ phú, bởi họ chỉ cần cắt bớt một vài trăm mét vuông đất bán đi cũng đã có trong tay cả một vài tỷ, thậm chí cả gần chục tỷ đồng- số tiền lớn đến mức có làm lụng cả đời cũng không thể ra nổi.

Thế nhưng, cũng chính vì đất ở có giá trị như vậy nên cũng đã phát sinh bao nhiêu chuyện đau buồn, khi chỉ vì đất, vì tiền bạc mà đã có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu anh em, họ hàng… trở thành thù hận, mất hết tình thân ruột thịt, cắt đứt mọi quan hệ máu mủ, chỉ vì tranh giành hơn thiệt.

Theo tôi, để hạn chế sự tranh chấp phát sinh mâu thuẫn vì đất đai, tài sản có giá trị, cũng như lường trước được những hậu quả xấu về sau, thì khi còn sống các bậc làm cha làm mẹ hãy lập di chúc rành rọt, có pháp lý công nhận, chia thừa kế công bằng cho các con.

Lê Thị Kết

https://vnexpress.net/tranh-chap-thua-ke-theo-di-chuc-tranh-gianh-dat-dai-em-di-tu-anh-di-vien-vi-1-000-m2-dat-thua-ke-chia-khong-deu-4873561.html

TIN LIÊN QUAN