Việt Nam đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất
Tại hội thảo khoa học về nghiên cứu và ứng dụng trong y học vừa được Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn bày tỏ sự gia tăng đáng lo ngại của bệnh ung thư.
Tại Việt Nam (VN), các loại ung thư phổ biến như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư gan và ung thư đại trực tràng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh ung thư cần sự nỗ lực không ngừng từ cả hệ thống y tế lẫn cộng đồng. Bộ Y tế đã xây dựng và đang triển khai các chiến lược toàn diện, hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn dân. Một trong những ưu tiên hàng đầu là công tác nghiên cứu và ứng dụng trong y học, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.
VN hiện ứng dụng nhiều kỹ thuật mới giúp chẩn đoán sớm, điều trị sớm ung thư. ẢNH: LIÊN CHÂU
Trong đó, tập trung các nghiên cứu về bệnh dịch, sức khỏe dân số, quản lý bệnh tật, phát triển các phương pháp điều trị mới. Với con số hơn 70% ca tử vong liên quan bệnh mãn tính, các bệnh như ung thư, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cần được ưu tiên nghiên cứu để phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và giảm gánh nặng bệnh tật.
Tại hội thảo, GS Nguyễn Văn Kính, Phó chủ tịch Tổng hội Y học VN, cho biết các yếu tố liên quan gia tăng ung thư gan như sau: 8% số ca ung thư gan trên toàn cầu do bệnh gan nhiễm mỡ, liên quan rối loạn chuyển hóa; khoảng 15% số ca ung thư gan trên toàn cầu do bệnh gan liên quan đến sử dụng quá nhiều rượu bia, hút thuốc dẫn đến tổn thương gan, xơ hóa gan và tăng nguy cơ ung thư gan.
Đáng chú ý, theo GS Kính, VN đang đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất trên toàn cầu, với tỷ lệ tử vong do ung thư gan là 23/100.000 dân.
Theo kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh viêm gan vi rút tại VN, giai đoạn 2020 – 2025, ưu tiên xây dựng chính sách dựa vào bằng chứng, hướng dẫn phối hợp phòng chống viêm gan vi rút toàn diện; truyền thông nâng cao nhận thức toàn dân; tăng cường hệ thống thông tin chiến lược; dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan bằng tiêm vắc xin; điều trị dự phòng; phát hiện sớm, tiếp cận điều trị và theo dõi hiệu quả điều trị. Trong đó, ưu tiên sử dụng các xét nghiệm nhanh để sàng lọc; lồng ghép sàng lọc viêm gan vào các chương trình khác: HIV, sản khoa, khám lao; đơn giản hóa quy trình xét nghiệm…
Mục tiêu đến năm 2030, 30% trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B, C được chẩn đoán; 50% trường hợp đủ điều kiện điều trị bắt đầu điều trị; 90% trường hợp bắt đầu điều trị viêm gan B, C được thuyên giảm hoặc được chữa khỏi. Theo ước tính, nếu điều trị khỏi viêm gan C, giúp giảm được nguy cơ ung thư gan (80%) và tử vong (75%)…