Tác giả của bài hát bị biến thành nhạc chế lên án CEO Nguyễn Phương Hằng gửi đơn kêu cứu
Tác giả Châu Gia Chuyển đã có đơn kêu cứu nhờ bảo vệ bài hát “Đứa con tội lỗi” trước “nạn” bị chế để lên án CEO Nguyễn Phương Hằng.
Chế “Đứa con tội lỗi” thành bài hát lên án CEO Nguyễn Phương Hằng, tác giả gửi đơn kêu cứu
Ngày 21/10, báo điện tử Dân Việt đã đăng tải bài viết: “Phát ngôn về cư sĩ Minh Tuệ, CEO Nguyễn Phương Hằng bị lên án và kết tội bằng nhạc chế” nêu rõ tình trạng có nhiều bài nhạc chế chế lại lời bài hát “Đứa con tội lỗi” của tác giả Châu Gia Chuyển xuất hiện trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Đa số các bài viết đều có lời lẽ mang tính kể tội, chỉ trích, lên án… CEO Nguyễn Phương Hằng vì những phát ngôn liên quan đến cư sĩ Minh Tuệ.
Tác giả Châu Gia Chuyển. Ảnh: FBNV
Trong đó, có 2 bài nhạc chế Thầy tôi tội gì? đăng trên kênh YouTube LeeHT và Người tù và người tu đăng trên kênh Duy Hưng có lượt truy cập khá cao. Cả 2 bài nhạc chế này cũng được lan truyền chóng mặt trên các nền tảng YouTube, Facebook và Tiktok. Mặc dù lời lẽ các ca khúc này có phần khiên cưỡng, lủng củng, khô cứng… nhưng nhiều người nghe vẫn để lại bình luận bày tỏ sự tán thành, đồng tình.
Cho đến thời điểm này, CEO Nguyễn Phương Hằng vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào trước những bài nhạc chế này.
Tuy nhiên, trước sự việc này, tác giả Châu Gia Chuyển đã có đơn kêu cứu gửi lên Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam (VCOP) nơi anh đã ủy quyền để bảo hộ và khai thác bản quyền âm nhạc bài hát này để nhờ bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình.
Chia sẻ với Dân Việt, tác giả Châu Gia Chuyển cho biết, sáng 1/11, anh đã gửi đơn kêu cứu lên hai Trung tâm sau khi đã suy nghĩ rất kỹ. Anh thấy mình cần phải làm việc này để bảo vệ bài hát của mình và để các YouTuber không lợi dụng bài hát của mình hòng đẩy câu chuyện liên quan đến CEO Nguyễn Phương Hằng đi quá xa.
“Gần đây, trên nền tảng nghe nhạc online có một số nghệ sĩ YouTuber đã sử dụng bài hát “Đứa con tội lỗi” do tôi sáng tác phần giai điệu và công bố năm 2024 để chế thành bài nhạc chế. Họ chế lời từ bài hát gốc của tôi một cách rất bừa bãi nhằm mục đích đả kích cá nhân và tập thể. Những ca từ vô cùng phản cảm làm mất đi giá trị gốc của bài hát này.
Những bài hát này vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ, vi phạm phạm quyền tự do ngôn luận và không tôn trọng quyền con người nhưng lại có lượt truy cập rất cao. Sau khi kiểm tra các kênh YouTube đó, tôi nhận thấy họ đã vượt quá xa quyền được tự do sao chép và đặt lời để đả kích CEO Nguyễn Phương Hằng.
Vì vậy, tôi đã gửi đơn kêu cứu khẩn, mong lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam (VCOP) có biện pháp xử lý đối với hiện tượng này. Tôi đề nghị các kênh YouTube chế lời bài hát Đứa con tội lỗi trái phép nhanh chóng khắc phục hậu quả, trả lại sự trong sạch cho môi trường âm nhạc nước nhà”, tác giả Châu Gia Chuyển chia sẻ thêm với Dân Việt.
Bản nhạc “Đứa con tội lỗi” do Châu Gia Chuyển sáng tác phần giai điệu. Ảnh: TL
Tác giả Châu Gia Chuyển cho biết thêm rằng, cách đây nhiều năm, trong một lần đưa những người khuyết tật đi giao lưu ca hát tại một trường học ở Cam Ranh (Khánh Hòa), anh vô tình nghe được những phạm nhân trại giam đang đi chăn bò nghêu ngao đọc bài thơ Đứa con tội lỗi. Bài thơ có nhiều câu chữ ám ảnh gây cảm xúc mạnh đối với anh nên anh đã quyết định phổ nhạc những vần thơ này để thành bài hát.
Tác giả Châu Gia Chuyển thú nhận, phần âm nhạc của bài Đứa con tội lỗi có vay mượn từ âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chính vì vậy mà khi viết xong anh không dám thu âm bài hát này, chỉ giới thiệu cho bạn bè hát vui. Và không ngờ, bài hát đã nhận được sự yêu thích và chia sẻ của rất nhiều người yêu nhạc. Bài hát này sau đó đã được Châu Gia Chuyển ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam khai thác bản quyền.
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ với Dân Việt rằng, việc chế lời bài hát mà không có sự cho phép của tác giả hoặc người được ủy quyền pháp lý cho tác giả thì được xem là hành vi xâm phạm Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT). Ở góc nhìn dư luận xã hội, hành vi chế, ghép nhạc để đả kích, lên án một ai đó còn để lại hệ lụy xấu cho xã hội, tạo tiền lệ tiêu cực về sau.
Mọi hành vi sao chép, chế nhạc đều phạm pháp
Chia sẻ với Dân Việt, Luật sư Phan Vũ Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam cho rằng, hành vi “chế” lời bài hát có thể được xem xét là hành vi xuyên tạc hoặc sửa đổi cắt xén tác phẩm – xâm phạm tới quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Do đó, người thực hiện hành vi xuyên tạc tác phẩm hoặc sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả được xác định là hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, hành vi “chế” lời bài hát cũng có thể bị xem xét là hành vi xâm phạm quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Theo quy định tại Điều 20 Luật SHTT thì quyền làm tác phẩm phái sinh do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Việc “chế”/viết lại lời bài hát mà không được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì được xác định là hành vi xâm phạm quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
“Theo Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT), hành vi “chế” lời bài hát được xem là hành vi xâm phạm quyền tài sản, quyền nhân thân của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 28 Luật SHTT.
Bài hát là một trong những tài sản trí tuệ của tác giả. Tác giả đã bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết và trí tuệ của mình để nghiên cứu, sáng tác ra một tác phẩm âm nhạc. Vì vậy mà tác phẩm đó được Nhà nước cho phép đăng ký bảo hộ quyền tác giả.
Quyền tác giả được bảo hộ bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Việc chế lời bài hát dựa trên tác phẩm âm nhạc đã được công bố chính là sử dụng quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả”, Luật sư Phan Tuấn Vũ nhấn mạnh.
Theo Luật sư Phan Tuấn Vũ, Khoản 4 Điều 19 Luật SHTT quy định một trong những quyền nhân thân của tác giả là “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
(Theo Dân Việt)