Học giả kinh tế nghi Nhà Trắng áp dụng sai công thức tính toán làm mức thuế cho Việt Nam và các nước tăng gấp 4 lần

Một viện nghiên cứu chính sách cho rằng Nhà Trắng đã áp dụng độ co giãn giá bán lẻ thay vì độ co giãn giá nhập khẩu trong công thức tính thuế đối ứng, khiến kết quả cao gấp bốn lần, theo Fortune.

Hai học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), một tổ chức nghiên cứu chính sách, cho rằng Nhà Trắng đã sử dụng giá trị sai khi đánh giá tỷ lệ thay đổi của giá cả do ảnh hưởng của thuế quan.

Phiên bản đúng của công thức này sử dụng thay đổi giá khi nhập khẩu, nghĩa là chi phí mà một công ty Mỹ phải bỏ ra để mua hàng hóa từ nhà cung cấp nước ngoài. Thay vào đó, Nhà Trắng sử dụng thay đổi giá bán lẻ, nghĩa là chi phí mà người tiêu dùng bỏ ra.

Điều này dẫn tới công thức tính thuế bị lệch 4 lần, bởi Nhà Trắng đánh giá độ co giãn giá nhập khẩu là 0,25 thay vì 0,945, theo AEI.

“Với một chính sách lớn như vậy, lẽ ra họ phải chuyên nghiệp hơn,” học giả Stan Veuger trả lời phỏng vấn tờ Fortune.

Veuger và đồng nghiệp Kevin Corinth cho rằng sử dụng giá trị sai đã khiến công thức tính thuế thiếu chính xác.

“Quan điểm của chúng tôi là công thức mà chính quyền sử dụng không có nền tảng lý thuyết kinh tế hay luật thương mại thương mại,” Veuger và Corinth viết. “Nhưng nếu chúng ta cho rằng chính sách thương mại của Mỹ có nền tảng rõ ràng, ít nhất chúng ta cũng cần trông chờ việc các quan chức Nhà Trắng liên quan đã tính toán kỹ lưỡng”.

Tổng thống Trump cầm báo cáo của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (Ảnh: Bloomberg)

Corinth và Veuger cho biết họ hy vọng Nhà Trắng sẽ giảm thuế sau khi kết quả kể trên được công bố, bởi như vậy sẽ “tạo ra lực đẩy cần thiết cho nền kinh tế và giúp chúng ta tránh suy thoái”.

Thị trường các nước ghi nhận sụt giảm trong ba ngày giao dịch từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế mới. Tại Mỹ, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều suy giảm. Thị trường chứng khoán châu Á cũng bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi thị trường châu Âu giảm khoảng 4,5% hôm 07/04.

Công thức được Nhà Trắng sử dụng để tính thuế gây tranh cãi trong giới phân tích do chỉ đơn giản là phép chia thâm hụt thương mại với một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác cho tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tới Mỹ. Kết quả sau đó được chia cho 2 và sử dụng làm mức thuế cho quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.

Dù không có sai sót, công thức này cũng gây tranh cãi, theo Corinth và Veuger. Công thức “không có ý nghĩa gì về kinh tế”, họ đánh giá. “Thâm hụt thương mại với một quốc gia không chỉ xác định dựa trên thuế quan và các rào cản thương mại phi thuế quan mà còn dựa trên luồng vốn chảy vào, chuỗi cung ứng, ưu thế cạnh tranh, địa lý…”

Do chính quyền tổng thống Trump gọi mức thuế là “thuế đối ứng”, giới phân tích và đầu tư cho rằng nó phải được tính toán kỹ lưỡng dựa trên rào cản thương mại và phi thương mại với hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Thay vào đó, mức thuế được tính dựa trên công thức kể trên. Thông tin từ Washington Post cho rằng tổng thống Trump muốn sử dụng công thức này để tính thuế.

Theo Veuger, quan điểm cá nhân của tổng thống Trump về thuế là lý do chính cho chính sách thuế mới được công bố.

“Điều thúc đẩy chính sách thuế là sự thật rằng tổng thống Trump từ những năm 1980 đã là người có quan điểm bảo hộ mậu dịch. Ông ấy cho rằng thâm hụt thương mại là thua lỗ, thặng dư thương mại là lãi. Ông ấy thích sử dụng thuế,” Veuger nêu ý kiến.

Nhà Trắng cho rằng công thức sử dụng giá bán lẻ thay vì giá nhập khẩu là bởi người tiêu dùng ra quyết định mua hàng dựa trên giá bán lẻ, không phải giá bán buôn. Phát ngôn viên Nhà Trắng thêm rằng theo quan điểm của họ, mức thuế lẽ ra phải cao hơn.

Corinth và Veuger chỉ ra rằng nghiên cứu của giáo sư Trường Kinh tế Harvard Alberto Cavallo mà Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) dẫn chứng trong bản ghi nhớ về công thức thuế chính là bằng chứng cho thấy cách tính của Nhà Trắng đã hiểu sai sự khác biệt giữa giá bán lẻ và giá nhập khẩu. Nghiên cứu của giáo sư Cavallo “chỉ rõ sự khác biệt này”, hai học giả cho biết.

Bản thân giáo sư Cavallo cũng nhắc tới chuyện nghiên cứu của ông được USTR sử dụng trong bản ghi nhớ công thức thuế.

“Không rõ họ sử dụng nghiên cứu của chúng tôi như thế nào. Dựa trên nghiên cứu, độ co giãn giá nhập khẩu liên quan tới thuế phải gần hơn với 1. Nếu con số đó được sử dụng thay vì 0,25, kết quả tính thuế đối ứng phải thấp hơn khoảng bốn lần,” Cavallo viết trên nền tảng X.

Hoài An (SHTT)

https://sohuutritue.net.vn/hoc-gia-kinh-te-nghi-nha-trang-ap-dung-sai-cong-thuc-tinh-toan-lam-muc-thue-tang-gap-4-lan-d276111.html

TIN LIÊN QUAN