Thành phần kẹo rau củ Kera được quảng cáo gian dối như thế nào
Cơ quan điều tra xác định bột rau dùng trong sản xuất không được thu mua từ các nông trại VietGAP, hàm lượng từ 0,61 đến 0,75% nhưng công bố là 28%.
Thông tin được đại tá Trần Quốc Cường, Trưởng phòng điều tra và thẩm định hồ sơ tố tụng, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết ngày 6/4, VTV đưa tin.
Vụ án được đưa vào tầm ngắm khi Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs quảng cáo, giới thiệu kẹo rau củ Kera “sai sự thật, gây hoang mang”. Từ đó, nhà chức trách xác định bị can Nguyễn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ASIA LIFE, là người tổ chức sản xuất theo đặt hàng của Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt (CER).
Theo đại tá Cường, lẽ ra nguyên vật liệu là bột rau phải được thu mua từ các nông trại của nhà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng Phong chỉ đạo nhân viên mua bột rau có các hàm lượng dưới mức tiêu chuẩn (chỉ 0,61-0,75%) rồi công bố là 28%.
Kẹo Kera còn có chất sorbitol chiếm tỷ lệ 35% thành phần cùng các chất phụ gia khác song không được công bố cho người tiêu dùng biết.
Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs (từ trái qua) trong một lần livestream bán kẹo Kera. Ảnh: Cắt từ video
Cơ quan điều tra cáo buộc, nhiều người đã mua kẹo rau củ Kera bởi tin tưởng có chức năng tốt cho tiêu hóa, nhuận tràng, như lời quảng cáo. Song thực chất, nhuận tràng lại đến từ sorbitol – một dạng rượu đường tạo ngọt.
C01 xác định, 135.000 sản phẩm đã được tiêu thụ với hơn 30.000 khách hàng. Doanh nghiệp từ đó thu trên 17 tỷ đồng.
Đại tá Cường cho biết hoa hậu Thuỳ Tiên đang được xác minh sự liên quan quảng cáo kẹo Kera. Trước đó, cô bị Công an tỉnh Đăk Lăk trong giai đoạn đầu điều tra vụ án đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, từ ngày 15/3 đến 15/5. Ngoài ra, Thuỳ Tiên bị phạt hành chính 25 triệu đồng do không thông báo rõ cho người tiêu dùng về việc được tài trợ khi cung cấp thông tin sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội.
Hiện, Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du Mục, Chủ tịch HĐQT CER) và Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs, thành viên HĐQT) cùng Lê Tuấn Linh (Giám đốc, đại diện pháp luật của CER), Lê Thành Công (thành viên HĐQT) bị C01 khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Lừa dối khách hàng, theo Điều 193 Bộ luật Hình sự.
Cùng vụ án, Nguyễn Phong bị điều tra tội Sản xuất hàng giả là thực phẩm, theo điều 198.
Chị em Rọt đã bán 135.000 sản phẩm kẹo Kera ra thị trường. Ảnh: Chị em Rọt
Trước khi bị bắt, giám đốc Lê Tuấn Linh từng cam kết nguyên liệu được thu mua từ các vùng ở Lâm Đồng, Đăk Lăk, Bình Thuận, “đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng”.
Các sản phẩm này được lan truyền trên truyền thông, mạng xã hội với thông tin gây hiểu lầm, ví dụ “một viên thay thế một đĩa rau xanh”. Một người dùng đã mang kẹo này đi kiểm tra tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2, kết quả cho thấy cả hộp 30 viên nhưng lượng chất xơ chỉ 0,51 gram, kém xa so với quảng cáo.
Trong kết quả kiểm nghiệm ban đầu công bố ngày 20/3, đại diện Cục An toàn Thực phẩm ghi nhận việc quảng cáo thổi phồng “một viên kẹo tương đương một đĩa rau” khiến dư luận phản ứng. Cơ quan này cho biết kết quả kiểm nghiệm kẹo Kera có chỉ tiêu đường, đạm, chất béo và năng lượng “cơ bản phù hợp với công bố”, song chưa nói rõ hàm lượng chất xơ.
Vào cuộc điều tra, C01 xác định kẹo rau củ Kera là hàng giả và được quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.
(Theo VNexpress.net)