Mỹ cảnh báo Triều Tiên về hậu quả thảm khốc nếu tham chiến ở Ukraine
Cả giới quân sự và giới ngoại giao Mỹ đều cảnh báo về hậu quả thảm khốc cho quân Triều Tiên nếu họ tham chiến tại Ukraine. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đưa ra lời cảnh báo đặc biệt sắc lạnh nhằm vào binh sĩ Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc cùng kêu gọi Triều Tiên hãy rút quân khỏi Nga.
Mỹ tuyên bố quân Triều Tiên trở thành mục tiêu nếu lâm chiến
Nhà Trắng nói rằng các lực lượng Triều Tiên sẽ trở thành “mục tiêu quân sự hợp pháp” nếu họ chiến đấu chống lại Ukraine. Ngày 30/10/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin lặp lại ý này của Nhà Trắng và bổ sung: Các binh sĩ Triều Tiên sẽ “bị thương vong do tham chiến” cùng Nga.
Mỹ hiện chưa chứng kiến binh sĩ Triều Tiên thực sự xung trận giúp Nga. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Blinken hôm 31/10 cảnh báo rằng “nếu những lực lượng này tham chiến hoặc hỗ trợ tác chiến chống lại Ukraine, họ sẽ trở thành mục tiêu quân sự hợp pháp”.
Cầu vượt và hệ thống đường sắt tại thị trấn Pokrovk (miền Đông Ukraine) sau khi hứng chịu những đòn tập kích của quân đội Nga. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood tuyên bố thẳng thừng trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng các lực lượng Triều Tiên nếu tiến vào đất Ukraine sẽ đối mặt hậu quả thảm khốc.
Người đứng đầu ngành quốc phòng của Mỹ và Hàn Quốc đều đã kêu gọi Triều Tiên hãy rút quân khỏi Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Lầu Năm Góc vào ngày 30/10: “Tôi kêu gọi họ rút quân khỏi Nga”. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun trước đó cũng đã đưa ra lời kêu gọi tương tự.
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin kêu gọi Triều Tiên rút quân, ông vẫn cho rằng có khả năng cao Moscow sẽ xúc tiến triển khai quân Triều Tiên để chống lại Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun cho biết, ông tin rằng việc Triều Tiên triển khai quân sang Nga “có thể dẫn tới leo thang đe dọa an ninh trên bán đảo Triều Tiên”. Ông nói, sở dĩ ông nhận định vậy là vì có khả năng cao Bình Nhưỡng sẽ đề nghị Nga chuyển giao công nghệ hỗ trợ chương trình vũ khí của Triều Tiên, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật, tên lửa đạn đạo liên lục địa và vệ tinh trinh sát, để đổi lại việc triển khai quân Triều Tiên giúp Nga.
Nga và Triều Tiên vốn đã làm sâu sắc quan hệ đồng minh chính trị và quân sự trong tiến trình xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, tình huống lực lượng Bình Nhưỡng tham chiến chống lại quân Kiev là một bước leo thang thu hút sự chú ý rộng rãi của quốc tế.
Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui đã có mặt tại Moscow vào hôm 30/10 để hội đàm “chiến lược” với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Nga đang thăm Bắc Kinh về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Nga Putin không phủ nhận cũng không xác nhận cáo buộc quân Triều Tiên được triển khai trên lãnh thổ Nga. Triều Tiên phủ nhận việc nước này gửi quân sang Nga nhưng một thứ trưởng ngoại giao của Triều Tiên tuyên bố rằng nếu có chuyện đó thì vẫn là phù hợp thông lệ quốc tế.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia hôm 30/10 nói rằng lực lượng Triều Tiên không có mặt tại tiền tuyến. Ông Nebenzia tố cả Mỹ lẫn Anh tung tin sai lệch.
Tình hình Nga – Ukraine nóng lên với yếu tố Triều Tiên
Washington cho biết, 10.000 quân Triều Tiên đã được triển khai để đối đầu với lực lượng Ukraine. Ngày 31/10, giới chức Mỹ thông báo có tới 8.000 binh lính Triều Tiên hiện diện tại tỉnh Kursk của Nga và dự kiến sẽ lâm trận chống lại lực lượng Ukraine trong những ngày sắp tới (Ukraine bắt đầu chiến dịch đột kích vào Kursk vào đầu tháng 8). Một quan chức Ukraine giấu tên tiết lộ rằng quân Triều Tiên hiện đóng tại vị trí nằm cách biên giới Nga – Ukraine là 50km.
Phát biểu bên cạnh các bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, các lực lượng Triều Tiên đã được huấn luyện về “pháo, UAV, tác chiến bộ binh cơ bản, bao gồm khai thông chiến hào, cho thấy họ có thể được sử dụng đầy đủ cho tác chiến ở tuyến đầu”.
Những cảnh báo của Mỹ và Hàn Quốc xuất hiện vào lúc Triều Tiên vừa thử tên lửa đạn đạo mà nước này coi là “tên lửa chiến lược mạnh nhất thế giới” còn Mỹ xác định là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Mỹ và đồng minh hiện đang cân nhắc cách phản ứng với hợp tác quân sự gia tăng giữa Moscow và Bình Nhưỡng.
Tại buổi họp báo vào hôm 31/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho biết: “Chúng tôi đang tham vấn sát sao với các đồng minh và đối tác tại những nước khác trong khu vực về những diễn biến này và phản ứng của chúng tôi”. Còn Ngoại trưởng Mỹ Blinken thì nói rằng Mỹ sẽ cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine trong những ngày tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin tin rằng Ukraine vẫn sẽ giữ được đất ở Kursk dù quân Nga có thêm viện binh Triều Tiên. Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 31/10 cũng cảnh báo lực lượng Triều Tiên sẽ bị đẩy lui và hứng chịu thương vong.
Cùng ngày 31/10, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Austin kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên để ngăn ngừa các động thái trên của Triều Tiên. Ông Blinken cho biết phía Mỹ rất quan tâm đến khả năng Nga hỗ trợ nâng cao năng lực quân sự của Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc không công bố sự thay đổi nào đối với chính sách dài lâu của Hàn Quốc với nội dung cấm nước này bán vũ khí cho những khu vực đang có xung đột vũ trang, bao gồm Ukraine. Cả Mỹ và Ukraine đều đã kêu gọi Hàn Quốc xem lại chính sách này.
Ông Kim Yong-hyun trả lời như sau cho câu hỏi liệu Hàn Quốc có kế hoạch để cung cấp đạn dược cho Ukraine theo cách gián tiếp hay không: “Vào lúc này, chưa có điều gì được quyết định”.
Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp Nguồn: Guardian, CNN