14 năm sau thảm họa kép: Nhật Bản vẫn sống trong cơn ác mộng về địa chấn, 27.615 người chưa thể trở về nhà và những tiên tri đầy ám ảnh
14 năm sau thảm họa kép động đất – sóng thần khiến hơn 22.000 người thiệt mạng, Nhật Bản vẫn chưa ngừng khắc phục hậu quả để lại và đang ráo riết chuẩn bị đối phó với một “đại địa chấn” tiềm tàng ở rãnh Nankai.
”Thảm họa kép” tàn phá nước Nhật
Cách đây 14 năm, hồi 14 giờ 46 phút chiều ngày 11/3/2011, trận động đất cường độ 9 đã xảy ra ở Đông Bắc Nhật Bản. Sau động đất, các đợt sóng thần khổng lồ cao tới 40 mét cũng đã liên tiếp ập vào đất liền, nhấn chìm nhiều thị trấn và làng mạc. Đây là một trong những trận động đất – sóng thần mạnh nhất lịch sử loài người và cũng là thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất tại Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II.
Những con sóng ập đến cuốn phăng tất cả mọi thứ. Nhà cửa, xe cộ, tàu bè đều ngập trong biển nước.
Đợt sóng tràn vào thành phố Miyako, tỉnh Iwate sau trận động đất ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters/Mainichi Shimbun
Người dân trú ẩn khi trần nhà một hiệu sách sụp đổ trong trận động đất ở Sendai, Nhật Bản Ảnh Kyodo / Reuters
Sóng thần nhấn chìm khu dân cư ở Natori, tỉnh Miyagi, đông bắc Nhật Bản, ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters/Kyodo
Nhà máy lọc dầu Cosmo ở thành phố Ichihara, tỉnh Chiba, gần Tokyo bốc cháy. Ảnh: Asahi / Reuters
Sóng thần ập vào bờ biển Minamisoma thuộc tỉnh Fukushima. Ảnh: Sadatsugu Tomizawa/AFP/Getty
Toya Chiba, phóng viên của tờ báo địa phương Iwate Tokai Shimbun, bị sóng thần cuốn trôi tại cảng Kamaishi, tỉnh Iwate. Kyodo News đưa tin Chiba đã sống sót sau trận sóng thần nhờ nắm lấy một sợi dây sau khi bị cuốn đi khoảng 30 mét. Ảnh: Kamaishi Port Office via Kyodo / Reuters
Sau đại thảm họa, đất nước Nhật Bản oằn mình chống chọi với khung cảnh hoang tàn đổ nát, những tiếng khóc thương ai oán cùng hàng trăm mối lo rối như tơ vò. Những bức hình lịch sử được các hãng truyền thông chia sẻ giúp chúng ta cảm nhận một phần nào nỗi đau đớn mà người dân Nhật Bản đã phải gánh chịu.
Chẳng có nỗi đau nào ám ảnh hơn việc đột ngột mất đi người thân yêu, bất lực nhìn họ rời xa mình mãi mãi. Chẳng có nỗi thống khổ nào bằng việc bỗng chốc mất đi tất cả mọi thứ, trở thành kẻ trắng tay. Người dân Nhật Bản đã cùng lúc mất đi người thân và không còn nhà cửa để ở, tất cả tài sản họ cả đời gây dựng nên cũng hóa thành đống đổ nát.
Lính cứu hỏa nỗ lực tìm kiếm nạn nhân ở Soma, tỉnh Fukushima, vào ngày 14 tháng 3 năm 2011 – ba ngày sau khi trận động đất và sóng thần lớn xảy ra. Ảnh: Wally Santan
Nhân viên cứu hộ ôm một bé gái được họ giải cứu khỏi một tòa nhà vào ngày 12 tháng 3 năm 2011. Ảnh: Kyodo / Reuters
Các nhân viên mặc đồ bảo hộ kiểm tra dấu hiệu nhiễm phóng xạ đối với trẻ em đến từ khu vực phải sơ tán gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daini ở thành phố Koriyama, ngày 13/3/2011. Ảnh: Reuters
Một người đàn ông đi trên con đường bị phá hủy nặng nề ở thành phố Ishinomaki ngày 15 tháng 4 năm 2011. Ảnh: Hitoshi Yamada / NurPhoto / Corbis
Bàn tay của một người đàn ông thiệt mạng trong trận động đất và sóng thần, được phát hiện giữa các rào chắn bê tông trên biển, vào ngày 14 tháng 3 năm 2011, tại Toyoma, Nhật Bản. Ảnh: Gregory Bull
Động đất và sóng thần còn dẫn tới một thảm họa khác. Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển, sóng thần tấn công đã làm hỏng hoàn toàn các hệ thống làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân, gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới và khiến một số vùng dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ. Hậu quả, nhiều người dân phải rời bỏ quê hương, chuyển hẳn đến các tỉnh, thành phố khác sinh sống.
Cả thế giới như chết lặng khi nhìn thấy Nhật Bản đang căng tràn sức sống bỗng trở thành vùng đất chết chóc. Từng con đường, từng góc phố, từng ngôi nhà đã bị san phẳng hoàn toàn. Người dân vào thời điểm ấy chỉ còn biết ôm nhau mà khóc!
Sau 14 năm, vẫn có hơn 27.600 người chưa thể trở về nhà
Theo thống kê mới nhất, số người chết và mất tích do trận động đất đã lên tới 22.228 người. Hiện vẫn còn 27.615 người chưa thể trở về nhà, phải tiếp tục sống sơ tán do ảnh hưởng từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và hậu quả kéo dài của sóng thần.
Tại thành phố Fukushima, vào tháng 3 vừa qua, chính quyền tỉnh đã tổ chức lễ tưởng niệm với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.
Trong bài phát biểu sau phút mặc niệm, ông bày tỏ sự chia buồn sâu sắc: “Do ảnh hưởng của thảm họa nhà máy điện hạt nhân, nhiều người vẫn phải tiếp tục sống trong các nơi trú ẩn. Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành nhất tới những người không thể trở về nhà và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa này”.
Thủ tướng Ishiba cho biết, chính phủ đã quyết định dỡ bỏ lệnh sơ tán đối với một số “khu vực người dân khó có thể thể trở về” tại các làng Iitate và Kuzuo kể từ ngày 7/3, đồng thời nhấn mạnh rằng công tác tái thiết đang “tiến triển đều đặn”. Ông cam kết chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo việc ngừng hoạt động của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi được thực hiện “một cách an toàn và đáng tin cậy”, đồng thời cải thiện điều kiện sống cho những người dân đã quay trở về.
Lễ tưởng niệm những nạn nhân trong thảm hoạ kép (Ảnh: Kyodo News)
Đáng chú ý, ông Ishiba cũng công bố kế hoạch thành lập Cơ quan Phòng chống Thiên tai mới nhằm tăng cường năng lực ứng phó thảm họa trong tương lai: “Chúng tôi sẽ áp dụng kinh nghiệm từ trận động đất lớn ở Đông Nhật Bản vào công tác phòng chống thiên tai, cải thiện môi trường sống tại các nơi trú ẩn và phấn đấu trở thành quốc gia đi đầu về phòng chống thiên tai”.
Tại bờ biển Koizumi thuộc thành phố Kesennuma, tỉnh Miyagi – nơi từng hứng chịu làn sóng thần kinh hoàng – ông Sato Seiyue (72 tuổi), cựu chỉ huy Đội cứu hỏa Kesennuma, đã mang theo di ảnh của người vợ quá cố Atsuko và thả xuống biển những nhành hoa cát tường – loài hoa mà bà yêu thích. Vợ ông được tìm thấy đã thiệt mạng gần bờ biển sau trận sóng thần.
Nhìn ra biển lặng, ông Sato lặng lẽ nói: “Tôi thực sự xin lỗi vì không thể cứu mình, nhưng tôi sẽ không quên mình và sẽ sống mạnh mẽ”.
Ảnh: AFP
Tại công viên tưởng niệm ở thành phố Natori, tỉnh Miyagi, bà Ito Yoshiko (75 tuổi) nhẹ nhàng đặt tay lên bia tưởng niệm có khắc tên con trai, một học sinh trung học đã qua đời trong thảm họa. Bà đau lòng kể lại: “Những người bị sóng thần cuốn trôi đã hét lên ‘Cứu tôi!’ Ngay cả sau 14 năm, những tiếng hét đó dường như vẫn còn văng vẳng trong tâm trí tôi”.
Bà Michiko Tsurushima (70 tuổi), từng sống tại thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate – một trong những nơi bị tàn phá nặng nề nhất. Bà Tsurushima đã mất chồng và người thân trong trận sóng thần và hiện đang sinh sống tại tỉnh Aichi.
“Mỗi năm khi đến ngày tưởng niệm thời điểm trận động đất xảy ra, tôi đều nghĩ rằng họ vẫn còn sống. Để không phụ lòng những người đã khuất, tôi phải trân trọng từng ngày và sống với nụ cười”.
Nhật Bản nâng cấp kế hoạch đối phó “đại địa chấn” ở rãnh Nankai
Nhật Bản mới đây đã công bố một loạt biện pháp mới nhằm cải thiện khả năng ứng phó với một “đại địa chấn”ở rãnh Nankai có thể xảy ra trong tương lai gần.
Theo ước tính cập nhật từ chính phủ, nếu một trận động đất mạnh kèm theo sóng thần xảy ra tại khu vực ngoài khơi Rãnh Nankai, thiệt hại có thể lên tới 298.000 người tử vong và gây tổn thất kinh tế lên tới 2.000 tỷ USD.
Rãnh Nankai là một rãnh biển dài khoảng 800km chạy song song với bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản. Tại đây, một mảng kiến tạo đang chìm chậm dưới một mảng khác – quá trình địa chất này đã từng gây ra các trận động đất cực mạnh. Trong vòng 1.400 năm qua, khu vực này ghi nhận các trận “đại địa chấn” xảy ra theo chu kỳ từ 100 đến 200 năm một lần. Lần gần nhất xảy ra vào năm 1946.
Vào tháng 1/2025, một hội đồng chuyên môn của chính phủ Nhật Bản đã nâng mức xác suất xảy ra một trận địa chấn mạnh ở khu vực Rãnh Nankai trong vòng 30 năm tới từ 75% lên 82%.
Thậm chí, có tin đồn xoay quanh một bộ truyện tranh tái bản năm 2021 đã “tiên đoán” một trận động đất lớn sẽ xảy ra vào ngày 5/7/2025. Những điều này đã dấy lên nỗi lo về “đại địa chấn” đã ảnh hưởng rõ rệt đến tâm lý người dân và hoạt động du lịch tại Nhật Bản trong mùa hè này. Một số du khách nước ngoài e ngại, tránh đến Nhật Bản do ảnh hưởng từ các tin đồn lan truyền trên mạng xã hội.
Theo thông tin từ AFP vào tháng 5, hãng hàng không Greater Bay Airlines (Hồng Kông) đã cắt giảm chuyến bay tới Nhật Bản do “nhu cầu giảm nhanh chóng”. Số du khách đến Nhật từ Hồng Kông giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng khách đến từ Trung Quốc đại lục tăng 44,8% và từ Hàn Quốc tăng 11,8%.
Ngày 1/7 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã chính thức ban hành kế hoạch ứng phó mới, trong đó đề xuất:
– Đẩy mạnh xây dựng các đê điều và công trình sơ tán
– Tăng cường tổ chức các cuộc diễn tập phòng chống thảm họa thường xuyên
– Kêu gọi hợp tác toàn diện từ chính quyền trung ương, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ
Ông Ryoichi Nomura, người đứng đầu JMA, đã nhấn mạnh, “Với khoa học hiện tại, việc dự báo động đất bằng cách chỉ ra địa điểm, thời gian và cường độ của nó là không thể, và không thể khẳng định một trận động đất sẽ xảy ra hay không.” Ông kêu gọi công chúng “hãy có các biện pháp nhất định để có thể ứng phó với động đất bất cứ lúc nào chúng xảy ra. Nhưng chúng tôi cũng đặc biệt khuyến cáo công chúng không nên thực hiện các hành động không hợp lý do lo lắng.”
Nguồn: CNA, The Straits Times, Japan Times, NHK World Japan